Giọt mật giữa rừng xanh huyện Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cánh rừng nguyên sinh thuộc huyện Kbang, Gia Lai cung cấp nguồn sản vật rất phong phú, trong đó có mật ong rừng. Ong rừng rất thích làm tổ trong bộng cây pơrang. Do vậy, những bộng cây lớn thường có rất nhiều tổ ong mật.
Tôi quen anh Đinh Ngol trong một chuyến công tác ở công trường thủy lợi Đak Tơ Cân vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Quê anh ở làng Tăng (xã Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai). Nhằm vào mùa lấy mật, tôi cùng anh lần theo con đường mòn ngoằn ngoèo luồn dưới tán rừng. Một lát sau, anh dừng lại bên một gốc cây to chừng 2 người ôm, da xù xì, tán lá xanh mướt xòe rộng che mát cả một vùng, rễ xòe ra bám trên nền đất đá. Anh dùng rựa dọn những cây cỏ dại quanh gốc, để lộ ra một miếng vỏ cây dày làm cửa bộng ong. Anh nói: “Đây là bộng ong của nhà mình, trên núi này và núi bên kia cũng có 50 cây từ thời yă bok (ông bà)”.
  Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nói rồi Đinh Ngol rẽ vào rừng lấy vội một nắm lá bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến xong nhổ ra tay rồi xoa lên khắp mặt và cơ thể. Anh cho biết, đó là thứ lá khắc tinh với ong, khiến chúng không dám tấn công mình. Tiếp đó, Đinh Ngol cắm thêm xung quanh người những cành lá rừng như ngụy trang rồi bước tới nhẹ nhàng tháo chốt mở cửa bộng ong. Bên trong, một đàn ong đang bâu vào nhau thành khối, chen lấn chật bộng cây. Anh kéo nhẹ nhàng một cầu ong bằng thanh tre mang theo bánh mật ra ngoài, đàn ong bu theo tung cánh bay phủ hết cả mặt, đầu anh. Lúc này, anh vẫn thản nhiên gỡ những bánh mật vàng ươm bỏ vào trong chiếc gùi đã lót sẵn lá và tấm ni lông, đồng thời không quên bắt từng con ong non chưa biết bay bỏ trở lại tổ. Vừa quan sát, tôi vừa thầm thán phục khi anh cẩn thận lấy mật không để đàn ong bị náo loạn, không những vậy anh còn chừa lại cho chúng một ít bánh mật, tạo cái ăn vào mùa hoa rừng cạn kiệt để ong sống và phát triển đến mùa sau. Lấy thêm vài bánh nữa thì anh đóng nắp lại. Những bánh mật vàng ươm nằm trong gùi rỉ ra giọt mật keo quánh. Tôi nhón tay bẻ lấy một miếng đưa vào miệng, vị ngọt thanh, keo đặc dính vào đầu lưỡi tỏa ra mùi hương thơm phức đặc trưng của hoa rừng.
Cuộc hành trình của chúng tôi lại tiếp tục. Vừa đi, anh Ngol vừa trò chuyện: Cây pơrang là cách gọi của người Bahnar, còn người Kinh gọi là cây dó. Đây là một loại cây thân gỗ mềm, không nhiều giá trị kinh tế, có cây to cỡ 2-3 người ôm. Trong thân mỗi cây dó thường có những bộng kiến đục khoét làm tổ, được con người tận dụng khoét rộng ra thêm để nuôi ong. Muốn dẫn ong về nuôi, phải theo dõi đàn ong uống nước ở bờ suối, hễ thấy ong bay ngang là biết tổ cách đó không xa. Ong bay hướng nào thì tìm tổ theo hướng đó. Một kinh nghiệm nữa là quan sát các tảng đá ở khe suối, nếu có màu vàng lấm tấm (nước tiểu của ong) thì khu vực đó chắc chắn sẽ có tổ ong. Khi tìm thấy bộng ong thì phải tìm bằng được con ong chúa bắt bỏ vào một ống nứa nhỏ, nút kín miệng bằng lá cây nhưng không quên khoét lỗ xung quanh cho ong thở, sau đó bỏ vào ống tre lớn hay cây gỗ rỗng ruột để đàn ong thợ bâu vào. Khi đó, ta bịt miệng 2 đầu mang về thả vào bộng cây của mình. Khoảng vài ngày thì tháo nút, đồng thời bỏ vào đó một ít bánh mật để làm thức ăn là ong tự ở và sinh sản thành đàn.
Mật ong rừng được lấy vào khoảng tháng 6, tháng 7 là tốt nhất vì thời điểm này mật đã chín và có màu vàng sẫm nên chất lượng tốt hơn lúc đầu mùa. Anh Ngol giải thích thêm: Những người đi lấy mật không bao giờ sát hại gấu, loài động vật tranh giành mật ong với người. Khi gặp nó, chỉ cần rung cây hét la cho nó sợ chạy.
Đang đi anh Ngol bỗng sững lại chỉ về hướng bờ suối, nơi có một lán trại lợp tấm ni lông màu xanh. Đó là lán của những người tìm trầm. Anh Ngol lách nhanh về hướng có cây pơrang giữa khu rừng thì sững sờ khi thấy trước mắt là một khoảng rừng trống hoác, cây xung quanh rạp đổ. Một cây pơrang 3 người ôm nằm chỏng chơ, thân bị băm vằm, dăm gỗ vương vãi khắp một vùng. Anh bước nhanh lại vào chỗ gốc cây, nhìn bộng ong bị phá tan hoang. Buồn bã, anh cúi nhặt những con ong non đang luyến tiếc hút những giọt mật rơi trên lá khô. Trên đầu anh, đàn ong mất tổ đang quần đảo. Anh đưa tay vuốt dọc thân gỗ và nói trong luyến tiếc: “Ôi, họ chặt cây để tìm trầm. Cả rừng này rất nhiều cây bị đốn hạ. Từ đời ông bà đến đời mình chỉ biết nuôi ong lấy mật thôi, cũng nhờ mật ong mà đổi được gạo, thực phẩm nuôi sống gia đình vào những ngày giáp hạt. Mật còn giúp con trẻ thiếu sữa, người già thiếu đường. Bọn họ ác quá, phá hết rồi!”.     
Nói rồi anh Ngol ngồi ngay gốc cây khóc, tiếng khóc tỉ tê, kể lể như vừa mất đi một người thân thiết nhất. Đàn ong cứ quần đảo trên bầu trời, thi thoảng tụ lại rồi giãn ra, có lúc lại sà xuống bâu quanh bộng cây pơrang, như nói lời từ giã. Rồi chúng bay vút vào cánh rừng xanh, bỏ lại đôi mắt thẫn thờ nhìn theo anh Đinh Ngol.
Hơn 30 năm tôi không có dịp trở lại rừng, nhưng ánh mắt và tiếng khóc của anh Ngol vẫn mồn một trong ký ức tôi mỗi khi nhớ về cánh rừng năm ấy.
 An Sinh

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.