Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: Những ấn tượng đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 đã chính thức khép lại nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng mọi người. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã ghi nhận những điều chia sẻ của du khách xung quanh sự kiện này.
Các cô gái Jrai trong điệu xoang nhịp nhàng. Ảnh: Phương Linh
Du khách thích thú với điệu xoang nhịp nhàng của các cô gái Jrai. Ảnh: Phương Linh
* Ông Bùi Đình Hải Đăng (TP. Hồ Chí Minh): “Gia Lai khiến tôi lưu luyến”
Từng có dịp đến Gia Lai vào sự kiện Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009, tôi rất ấn tượng với vùng đất cao nguyên đầy bản sắc và những cư dân thân thiện nơi đây. Do vậy, tôi không chút ngần ngại trở lại vùng đất này để tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay. Sau gần một thập kỷ, TP. Pleiku thật sự đổi thay, khang trang và sầm uất hơn nhiều.
Suốt những ngày qua, tôi cùng 4 người bạn đã có mặt gần như đầy đủ tại các hoạt động của Festival, từ chương trình khai mạc đến phục dựng các lễ hội truyền thống, ẩm thực Tây Nguyên… Tất cả đều rất hoành tráng, thú vị, giúp chúng tôi mở mang sự hiểu biết về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có dịp tham quan các buôn làng và cảm thấy vô cùng trân quý những nét hoang sơ, chân chất, mộc mạc của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Đó là điều mà ở thành thị không bao giờ chúng tôi có thể tìm ra được.
* Anh Vir Gil (du khách người Pháp): “Một lễ hội ấn tượng và độc đáo”
Tôi tình cờ biết đến Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên khi đang khám phá văn hóa của người Cơ Tu ở TP. Đà Nẵng. Và thế là tôi quyết định chuyển hướng lên Gia Lai để tham dự sự kiện hấp dẫn này. Đúng như lời giới thiệu, Festival là nơi hội tụ nhiều dân tộc khác nhau ở Tây Nguyên, mỗi dân tộc lại có những bài cồng chiêng, điệu múa, trang phục riêng, vô cùng sinh động, độc đáo và đầy thú vị. Tôi đặc biệt ấn tượng với hoạt động phục dựng nghi lễ truyền thống của các dân tộc ở Đak Nông, Đak Lak.
Đáng tiếc là tôi không thể tìm hiểu sâu hơn về nội dung từng hoạt động vì rào cản ngôn ngữ, tôi cũng đã thử tìm kiếm một website về lễ hội này bằng tiếng Anh nhưng không thấy. Giá như các bạn có một phiên bản nội dung bằng tiếng Anh dành cho du khách nước ngoài thì tôi có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Hy vọng rằng, bất cập này sẽ được giải quyết trong những lần Festival đến. Tất nhiên, tôi vẫn sẽ tiếp tục tham dự và mời gọi thêm bạn bè của mình cùng đi vì đây là một sự kiện đáng để khám phá.
* Tiến sĩ Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đak Lak): “Đừng quá sân khấu hóa các nghi lễ”
Điều thú vị nhất với tôi khi đến với Festival năm nay là được nhìn thấy sắc màu của các dân tộc Tây Nguyên cùng hòa quyện trong không gian văn hóa cồng chiêng. Sự kiện này đã tạo ra một môi trường giao lưu văn hóa, gắn kết các dân tộc lại với nhau, thân thiện và gần gũi. Việc tổ chức các hoạt động, phục dựng các nghi lễ… là điều cần thiết để giúp giới trẻ hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em. Tuy nhiên, theo cảm nhận riêng tôi, yếu tố không gian trong các nghi lễ của đồng bào đang mất dần đi khi hầu hết đều chỉ còn được tái hiện trên sân khấu. Tình trạng này có thể khiến thế hệ sau có cách nhìn nhận không chuẩn xác về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, nên chăng, các nghi lễ cần được phục dựng, thể hiện một cách thực tế hơn, đừng quá sân khấu hóa.
Hồng Thi (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.