Trào lưu chơi hoa hồng ngoại nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hoa hồng luôn có sức hút vừa dịu dàng kiêu sa, vừa mãnh liệt khó cưỡng. Đây cũng là một trong những nguyên cớ khiến cho trào lưu chơi hoa hồng ngoại nhập trên địa bàn TP. Pleiku rộ khắp với số lượng người đam mê, yêu thích loại hoa này ngày một tăng.
Là một trong những người yêu thích loài hoa được mệnh danh là “vua” các loài hoa này, chị Nguyễn Thị Thu Uyên (xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi cũng không lý giải nổi vì sao mình đặc biệt yêu thích loài hoa này. Tình cảm dành cho hoa hồng đến rất tự nhiên và từ rất lâu rồi”. Cũng vì quá yêu thích hoa hồng mà trong khuôn viên ngôi nhà của chị Thu Uyên, từ tường rào, bệ cửa sổ, cửa phòng ngủ, cửa phòng bếp đều được trồng đủ loại hoa hồng từ hồng leo đến hồng bụi giống ngoại nhập. Theo lý giải của chị Thu Uyên, nếu như các loại hồng cổ Việt Nam có sức sống bền bỉ, vẻ đẹp mộc mạc thuần khiết thì các loại hồng ngoại nhập thường làm người chơi choáng ngợp bởi vẻ đẹp lộng lẫy, đài các xen lẫn vẻ mong manh, yếu đuối.
 Ngày càng có nhiều người đam mê chơi hoa hồng ngoại nhập. Ảnh: K.N.B
Ngày càng có nhiều người đam mê chơi hoa hồng ngoại nhập. Ảnh: internet
Tương tự, chị Võ Thị Thanh Bình (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cũng có chung niềm đam mê hoa hồng bởi ký ức tuổi thơ được đắm chìm trong vẻ đẹp mộc mạc của hoa hồng-hoa quế. Mặc dù đã trồng hoa hồng gần 10 năm nhưng “cuộc chơi” thực sự mới bắt đầu từ 2 năm nay với khu vườn sở hữu khoảng 20 loại hoa, số ít là hồng cổ Việt Nam còn lại là giống hoa ngoại nhập. “Số lượng người chơi, hội nhóm yêu thích hoa hồng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Điều này cho thấy, trào lưu chơi hoa hồng đang rất phát triển. Càng chơi hoa hồng thì kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc lẫn mức độ đầu tư gia tăng theo thời gian”-chị Bình chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế. Theo chị Bình, qua việc tham gia các hội nhóm cùng sở thích trên mạng, chị có thêm kiến thức về các loại hoa hồng, cách chăm sóc hoa theo xu hướng thuần tự nhiên hoặc kỹ thuật chiết, ghép cây.
Bắt sóng được trào lưu chơi hoa hồng, đặc biệt là các giống hồng cổ Việt Nam và ngoại nhập, các nhà vườn tại TP. Pleiku đã nhanh nhạy vào cuộc đáp ứng các nhu cầu người chơi từ cây giống, phân bón, chậu, khung leo hoặc liên tục nhập các chủng loại giống mới với nhiều đặc tính nổi trội. “Tiềm năng của thị trường này rất lớn bởi số lượng người chơi hoa hồng kiểu nhập môn ngày một tăng. Trong khi đó, số người chơi kỳ cựu thì lại có nhu cầu sưu tầm giống mới lạ, chịu đầu tư bài bản mà không đặt nặng vấn đề giá cả, hễ thích là mua chứ không đợi dịp nào cả”-chị Thương Thảo (chủ vườn hoa ở hẻm 260 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) nhận định.
Nếu như hầu hết shop hoa, nhà vườn kinh doanh đa dạng cây cảnh thì riêng tại vườn Hương Việt (ngã ba Cầu Sắt-TP. Pleiku) trở thành thế giới hoa hồng thu nhỏ với diện tích hơn 1 ha, hội tụ hơn 100 giống hoa hồng bụi, hoa hồng leo, hoa hồng thân gỗ có xuất xứ Anh, Pháp, Nhật Bản và hồng cổ Việt Nam với mức giá dao động từ 100 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây. Nắm bắt được đặc tính của hoa hồng là cây lâu năm, trồng càng lâu giá trị càng cao, kinh doanh quanh năm lại có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Gia Lai nên chủ vườn Hương Việt tập trung chuyên canh hoa hồng theo xu hướng thuần tự nhiên, hạn chế sự can thiệp từ thuốc bảo vệ thực vật nên tỷ lệ cây sống và phát triển đẹp đạt hơn 90%.
“Hai năm trở lại đây, thị trường kinh doanh hoa hồng ngoại nhập tại Gia Lai thực sự phát triển mạnh, cho thu nhập rất ổn định. Riêng hoa của nhà vườn chúng tôi cung không đủ cầu bởi lượng khách trong và ngoài tỉnh mua quanh năm chứ không đợi dịp Tết”-anh Mai Quốc Trưởng, chủ vườn khẳng định. Trải qua gần 4 năm trồng và kinh doanh hoa hồng, anh Trưởng nhận thấy, đa phần khách chọn mua các loại hoa hồng ngoại bởi sắc hoa, hương hoa đa dạng, dáng vẻ quyến rũ, dễ chăm sóc mà lại cho hoa quanh năm. Do vậy, tỷ lệ khách mua và quay trở lại vườn hồng ngày càng đông hơn, riêng tại vườn anh mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 20 ngàn chậu hoa hồng các loại.
 Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.