Địa chỉ tin cậy của đồng bào biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, những năm qua, các y-bác sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai luôn là điểm tựa vững vàng cho người dân trên khu vực biên giới. Không kể ngày hay đêm, cứ khi nào người dân cần, các y-bác sĩ đều có mặt kịp thời, ân cần, chu đáo chăm sóc sức khỏe cho bà con.
Đi vào hoạt động chưa lâu song Phòng khám quân-dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Ia Lốp nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của gần 100 hộ dân làng Ring, làng thanh niên lập nghiệp ở xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Làng Ring nằm cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại không thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, nên người dân rất lo sợ mỗi khi đau ốm. Nhưng từ khi phòng khám đi vào hoạt động, có cán bộ quân y trực 24/24 giờ, người dân như được tiếp thêm niềm tin để yên tâm gắn bó với mảnh đất biên giới. “Với những bệnh thông thường, chúng tôi trực tiếp khám, cấp thuốc cho người dân; còn những bệnh nặng thì tư vấn, hướng dẫn để người dân chuyển lên tuyến trên điều trị”-Thượng úy, y sĩ Phan Xuân Sáng-cán bộ phụ trách Phòng khám-cho biết. Cùng với khám, điều trị bệnh bằng thuốc Tây, đơn vị còn duy trì vườn thuốc Nam với nhiều cây thuốc thông dụng để điều trị một số bệnh thông thường cho người dân.
  Các y-bác sĩ Bộ đội Biên phòng khám bệnh, phát thuốc cho người dân xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ.         Ảnh: P.D
Các y-bác sĩ Bộ đội Biên phòng khám bệnh, phát thuốc cho người dân xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Ảnh: P.D
Tương tự, hơn 10 năm qua, Phòng khám quân-dân y kết hợp tại xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) cũng luôn là lựa chọn đầu tiên của người dân nơi đây mỗi khi đau ốm. Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Văn Giang-cán bộ phụ trách Phòng khám-cho biết: “Mỗi năm, phòng khám, điều trị, cấp thuốc cho hơn 400 lượt người dân. Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch xuống làng để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách phòng tránh một số bệnh thông thường; hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; nuôi nhốt gia súc xa nhà ở”. Vài năm trở lại đây, Đồn Biên phòng Ia Púch còn nhận chăm sóc sức khỏe cho người già neo đơn, gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Đây đều là những người tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn... do đó hàng tháng, Thiếu tá Giang đều sắp xếp thời gian trực tiếp xuống từng nhà để thăm hỏi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe. “Hiện nay có 2 trường hợp mà tôi phải theo sát đó là vợ chồng bà Siu Hra (làng Brang) và ông Kpah Hlô (làng Goòng). Vợ chồng bà Siu Hra đã gần 80 tuổi, sức yếu lại không có con cái, còn ông Kpah Hlô thì bị tai biến, liệt nửa người. Chỉ cần nhận được điện thoại, tin nhắn của các cụ bằng cách này hay cách khác, tôi đều nhanh chóng có mặt”-Thiếu tá Giang cho hay.
Theo Thượng tá Trần Ngọc Linh-Trưởng ban Quân y (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), hiện trên khu vực biên giới của tỉnh có 5 phòng khám quân-dân y kết hợp do các Đồn Biên phòng: Ia Púch, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Ia O, Ia Mơr, Ia Lốp phụ trách. Tất cả các phòng khám đều đã phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và trở thành địa chỉ tin cậy của người dân biên giới. Đặc biệt, các phòng khám đang hướng đến việc xây dựng, duy trì các vườn thuốc Nam để kết hợp điều trị bằng Đông-Tây y. Cũng theo Thượng tá Linh, cùng với việc phát huy hiệu quả các phòng khám, hàng năm, Ban Quân y còn tổ chức 1-2 đợt tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân ở các xã đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tư vấn một số bệnh thông thường cho 500 lượt người dân xã Ia Pnôn, Ia Nan (huyện Đức Cơ) và cấp hóa chất cho các phòng khám.
Đặc biệt, để giúp người dân xã Ia Púch ổn định cuộc sống sau những ngày bị ảnh hưởng bởi mưa lũ hồi tháng 6, cán bộ, nhân viên Ban Quân y cũng nhanh chóng phối hợp với quân y đơn vị và cán bộ y tế địa phương tham gia cấp phát thuốc, phun thuốc phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh khử khuẩn môi trường. Cụ thể, Ban Quân y đã cấp phát thuốc cho 93 lượt người, phun thuốc diệt muỗi được 4.500 m2, khử trùng khử khuẩn được 10.400 m2, vệ sinh bề mặt 27 giếng nước. Ngoài ra, trong năm 2018, đơn vị cũng đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho 1.500 người dân ở xã Pó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). “Dự kiến từ nay đến cuối năm, Ban sẽ tổ chức thêm một đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên khu vực biên giới”-Thượng tá Trần Ngọc Linh cho hay. 
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.