Cheo leo đèo Ia Sung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dọc hành trình ngược con dốc nghiêng đến 45 độ vượt đèo Ia Sung (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, Gia Lai), bạn sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh hùng vĩ của núi rừng: vực xanh thăm thẳm, những mảng tường đá rêu phong; xa xa, những thác nước nhỏ mềm mại ôm lấy phiến đá xù xì. Đứng trên đỉnh đèo, bạn có thể phóng rộng tầm mắt nhìn ngắm cả một vùng cao nguyên rộng lớn, yên bình cùng những khối mây bay ngang tầm mắt…
1. Xã Ia Kreng cheo leo trên đỉnh Chư Pah. Từ trên đỉnh núi, một dòng suối lớn đổ xuống và chảy cắt ngang tuyến đường duy nhất dẫn đến Ia Kreng. Tên của dòng suối này-Ia Sung-đã được người dân dùng để đặt tên cho con đèo dài hơn 7 km nối liền ốc đảo mây ngàn Ia Kreng với các xã, thị trấn lân cận là Ia Mơ Nông, Ia Ly. 
  Đèo Ia Sung quanh co, đẹp như tranh. Ảnh: Lê Hòa
Đèo Ia Sung quanh co, đẹp như tranh. Ảnh: Lê Hòa
Đường đèo Ia Sung cheo leo, có những đoạn một bên là đá, một bên là vực sâu hun hút. Tựa lưng vào vách đá, thật thú vị khi nhìn ngắm bình nguyên trước mặt với những dòng suối mềm mại chảy giữa 2 bên là đồng lúa xanh ngắt. Trên cao là dáng cây tròn lúp xúp của những rẫy cà phê bạt ngàn. Đâu đó là một vài rẫy lúa cạn hay ruộng bắp đang mùa trổ cờ. Xa hơn, thị trấn Ia Ly tươi màu ngói đỏ, cây xanh và khá sầm uất. Từ đây, ta còn có thể thu vào tầm mắt khu vực lòng hồ của công trình Thủy điện Ia Ly. Đôi khi, nhìn xuống bên dưới, ta bất ngờ nhận ra ngay dưới chân mình là những... ngọn cây.
Xen giữa bạt ngàn rừng xanh đâu đó có những chùm hoa trắng li ti. Hoa rừng ít rực rỡ nhưng hương thơm bay xa, lẫn vào mùi cây cỏ và quyện trong hơi ẩm của nước đem lại cảm giác sảng khoái. “Đúng là tiên cảnh! Mình đang đứng ngang với những đám mây và nhìn ngắm màn nước mưa tuôn rơi từ một góc chưa từng được gặp. Nắng vẫn chiếu trên mây và bên dưới vẫn là một màn mưa trắng xóa”-người bạn đồng hành của tôi thốt lên khi nhìn ngắm đám mây khổng lồ ban nãy còn rải mưa trên đỉnh núi vừa kịp trôi về phía lòng hồ Thủy điện Ia Ly.
Dọc đường, chúng tôi gặp cha con anh Rơ Châm Hoải, một người dân làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) khi anh đang vắt chiếc rựa phát rẫy lên vai, cùng cậu con trai bám vào thân cây cỏ, tìm đường xuống rẫy. “Mình làm rẫy ở đây lâu rồi. Ngày trước mình trồng bắp nhưng đất cằn không thu được bao nhiêu nên năm nay chuyển qua trồng 4.000 cây bời lời đỏ”-anh chia sẻ.
2. Ít ai biết rằng, một cung đường đèo gợi nhiều cảm xúc như Ia Sung lại mang trên mình nhiều câu chuyện lịch sử. Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-anh Rơ Châm Tâm-là người con vùng đất Ia Ly. Sinh ra và lớn lên tại đây nên anh thuộc nằm lòng khá nhiều câu chuyện về vùng đất này. Anh Tâm chia sẻ, đèo Ia Sung nằm trên tuyến hành quân tải lương của quân và dân ta thời kháng chiến. Hiện nay, vết dấu của tuyến xe thồ vẫn còn, nối dài từ làng Dóch 1 đi thị trấn Ia Ly.
Còn dãy Chư Pah thuộc địa phận xã Ia Kreng vẫn giữ trong mình một căn cứ y tế, là nơi cứu chữa thương binh. Người dân nơi đây hay gọi căn cứ này là “trạm phẫu”. Trạm phẫu nằm trong lòng hang Ia Kreng này đã tồn tại từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng hiện nay rất ít người lui tới bởi đường đi lối lại vô cùng hiểm trở. Anh Tâm cho biết, những thông tin trên anh nắm bắt được là từ câu chuyện của ông bà anh-những người từng tham gia cách mạng.
Với những lợi thế về cảnh quan cùng những câu chuyện hay thời kháng chiến, nên chăng xã Ia Kreng cần nhắm đến “cái đích” làm du lịch? Có thể xem đây là một hướng đi mới khi vận động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.