Hướng đến thương hiệu măng khô Chư Don

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tích cực lên rừng hái măng về bán, nhiều nông dân xã Chư Don (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện nay, xã đang hướng đến xây dựng thương hiệu măng khô Chư Don nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Chồng bỏ đi lấy vợ khác, một mình phải nuôi 4 đứa con nhưng nhà chỉ có 1 sào bắp nên cuộc sống của gia đình chị Kpă Hte (làng Hlốp) rất khó khăn. Những năm gần đây, cứ vào mùa mưa, chị Hte lại đi hái măng về bán, mỗi ngày cũng kiếm được 150-200 ngàn đồng. “Trời mưa không có việc làm thêm nên tôi tranh thủ đi hái măng rừng về bán lấy tiền mua thức ăn. Măng hái về là có thương lái đến thu mua luôn nên nhanh có thu nhập. Mùa mưa này, ngoài trang trải chi tiêu trong nhà, tôi còn để dành được một ít tiền để mua sách vở cho con”-chị Hte chia sẻ.
  Măng khô Chư Don được bày bán tại phiên chợ nông sản an toàn huyện Chư Pưh năm 2018.                       Ảnh: H.T
Măng khô Chư Don được bày bán tại phiên chợ nông sản an toàn huyện Chư Pưh năm 2018. Ảnh: H.T
Cũng như chị Hte, cứ vào mùa mưa, chị Kpă Hlưu (làng Thơ Ga A) lại mang theo cơm nắm vào rừng hái măng về bán. Mỗi ngày, chị hái được 25-30 kg, bán được trên 200 ngàn đồng. Chị Hlưu cho biết, những năm trước đây, măng còn nhiều nên chỉ cần tìm quanh các con suối dưới chân núi Chư Don cũng hái được vài gùi. Bây giờ, do nhiều người đi hái măng nên chị phải vào trong rừng sâu, đường đi rất vất vả.
Mùa mưa cũng là mùa ăn nên làm ra của gia đình bà Kpă Hngân (làng Thơ Ga B). Bà Ngân cho biết, gia đình bà không có đất sản xuất, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào tiền làm thuê nên cuộc sống trước đây rất khó khăn, thường xuyên thiếu đói vào mùa mưa. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa, 4 người trong gia đình bà lại lên rừng lấy măng về bán. Đời sống gia đình nhờ đó được cải thiện đáng kể. “Vì hái măng phải đi xa nên cứ cách 1 ngày cả nhà đi hái 1 lần. Dù vậy, tính sơ sơ, cả nhà cũng thu được gần 20 triệu đồng mỗi mùa. Nhờ đó, gia đình có điều kiện mua sắm đồ đạc sinh hoạt cũng như sửa chữa nhà cửa”-bà Hngân cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Tú-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Don-cho biết: Xã có gần 700 hộ dân, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, hồ tiêu liên tục bị nhiễm bệnh rồi chết khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để kiếm thêm thu nhập, vào mùa mưa, nhiều người dân trong xã lên núi Chư Don hái măng về bán. Ngoài các thương lái từ TP. Pleiku xuống, từ Bình Định lên, hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Chư Don cũng đã đứng ra thu mua măng tươi cho bà con với số lượng ít nhất 10 tấn/năm, giá từ 7.000 đồng đến 11.000 đồng/kg, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Tú, lượng măng người dân thu hái khá nhiều, trung bình mỗi ngày từ 8 tạ đến 1 tấn. Trong khi đó, số thương lái thu mua vẫn còn ít. Do đó, nhiều người phải đem măng ra  bán lẻ tại chợ trung tâm xã, chợ trung tâm thị trấn Nhơn Hòa với giá cả bấp bênh. Ông Tú cho hay: “Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Chư Don đã đầu tư về trang-thiết bị để sản xuất măng khô đảm bảo an toàn chất lượng. Nếu thương hiệu măng khô Chư Don được xây dựng sẽ giúp cải thiện đời sống người dân. Do đó, chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ Hợp tác xã chi phí kiểm định chất lượng để sớm công bố thương hiệu măng khô Chư Don nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.