Cơm gà Mỹ Tâm: Ký ức và hiện tại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1981, trong buổi chiều đầu tiên tôi lên Pleiku nhận công tác ở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, một ông “ma cũ” là anh P.T.D., cùng làm ở Phòng Văn nghệ với tôi bảo: “Chiều đi ăn cơm gà Mỹ Tâm, tao bia mày cơm, kỷ niệm ngày đầu tiên mày lên Pleiku và chia tay tao, tuần sau tao về Hà Nội, mày ở lại ngoan nhé”.
Trước đấy, thời sinh viên, tôi hay đi tàu chợ (là những chuyến tàu không có ghế hoặc ghế gỗ nhưng rất ít, người ngồi lẫn với hàng, với cả... súc vật vạ vật dưới sàn tàu). Những chuyến tàu Huế-Vinh thường xuyên có những bà, những chị đội cái thúng bán cơm, trong ấy có cơm và thịt gà kho. Cơm xới ra mỏng dẹt trên đĩa, có một hai lát thịt gà và rưới thêm thứ nước kho thịt vàng vàng. Cái màu vàng kia chính là nghệ, họ kho gà với nghệ để bán cho khách đi tàu. Ôi giời, đấy là những đĩa cơm trong mơ của bọn sinh viên chúng tôi, bởi rất ít đứa có tiền để ăn. Đa phần là chúng tôi nhảy tàu đi chơi, trước khi đi đã chuẩn bị... bánh mì, là tiêu chuẩn cắt cơm những ngày ấy. Thế nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn... tiêu hoang, kêu mỗi đứa một đĩa cơm gà, hôm ấy thấy đời lên hương, lâng lâng suốt, hát hò suốt. 
  Tiệm cơm gà Mỹ Tâm.   (Ảnh nguồn internet)
Tiệm cơm gà Mỹ Tâm. (Ảnh nguồn internet)
Hôm ăn cơm gà Mỹ Tâm với anh P.T.D. ấy, một đĩa cơm đỏ xụm được bưng ra. Ban đầu, tôi nghĩ, có lạ quái gì, chắc cũng tương tương cơm gà tàu chợ thuở nào. Nhưng khi ăn thì mới biết nó không phải thế. Nó là cả một thiên đường theo kiểu khác. Năm 1981 mà mỗi đứa một đĩa cơm gà Mỹ Tâm, chai bia con cọp chia hai, chả thiên đường thì là cái gì nữa?
Cách mấy năm sau, hôm ấy cũng chơi sang, là mới có nhuận bút, bèn xông vào Mỹ Tâm ăn cơm gà. Đang cắm cúi với cái xương giòn rụm chợt nghe tiếng kéo cửa sắt roàn roạt, tiếng người nhốn nháo như có... biến. Ngẩng lên, thì ra là nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vào ăn. Và dân đổ xô vào xem... nghệ sĩ. Cửa sắt đóng rồi mà vẫn bị bu đầy. Mới nghĩ bụng, ông nghệ sĩ đẹp trai này cũng nghiện... cơm gà, mà rồi vì thế mà quán bị vạ lây, vì nghe nói sau đấy mấy cái cửa xếp bị cong hết.
Lại nhớ một cái Tết cũng đến hơn hai mươi năm rồi, giữa ngọ mùng 5, nhà thơ Phạm Doanh, hồi ấy là Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Đak Lak dẫn một xe 15 anh chị em văn nghệ sĩ Đak Lak ập vào nhà tôi. Bối rối, bởi nếu ngồi tại nhà thì đông quá, mà ra ngoài thì chưa quán xá nào mở cửa. Hồi ấy còn bao cấp nhưng quán xá và dịch vụ chơi rất sang, nghỉ trước 23 tháng Chạp và sau rằm mới mở lại, chứ không như giờ, 30 Tết vẫn bán và trưa mùng Một đã mở lại, thậm chí sáng mùng Một Tết chợ đã họp. Vừa may vợ tôi hiến kế: Ra Mỹ Tâm. Thế là tôi mời các bạn ra cơm gà Mỹ Tâm kêu mỗi người một đĩa, xách theo chai rượu Tết của nhà. 
Trong đoàn có mấy chị tiểu thư, thấy đĩa cơm bưng ra, các chị nghĩ nó giống như cơm bụi tẩm màu trong chợ nên ban đầu có vẻ cảnh vẻ, gẩy gẩy làm cảnh. Nhưng sau thìa cơm thứ 3, thứ 4 chi đó thì tôi thấy tay các chị hoạt bát hẳn, mắt các chị lúng liếng hẳn và câu chuyện cũng khoáng hoạt hơn dù các chị vừa trên xe đi 200 cây số xuống. Sau này, một bạn thơ còn nhắn tin cho tôi: “Bữa cơm ấy của anh đúng là cơm phiếu mẫu”. Và dẫu không tò mò nhưng nhìn cái cảnh tượng 15 cái đĩa gần như không còn hạt cơm nào dính, các cánh gà hoặc đùi-tương đương một phần tư con gà-cũng tương tự thế là đủ hiểu. Gà ở đây luộc rồi mới rán nên xương rất giòn, chả cứ các bác đàn ông, mà các tiểu thư cảnh vẻ cũng rôm rốp tan hết, rất ít phần còn sót...
Cái quán Mỹ Tâm giờ vẫn ở chỗ cũ, dẫu nó xập xệ nhất ở khu này. Nhiều người nói sinh ra đã thấy nó, như một phần của Pleiku, một góc nhớ, một góc ký ức, hằng nhiên như thế, tự tại như thế, tất yếu thế. Những ai ở Pleiku từ ngày xưa thì đều biết cái khu đất ấy nó đắc địa đến như thế nào. Bây giờ mở ra, nhiều khu khác trở thành “trung tâm” chứ ngày xưa ngã ba Diệp Kính chính là trái tim của Pleiku và cơm gà Mỹ Tâm tọa lạc ở đấy chứng tỏ nó từng là một đẳng cấp.
Giờ đã có Mỹ Tâm 2 ở cách đấy một đoạn, rộng hơn, có chỗ đậu xe... nhưng mỗi trưa, mỗi chiều thấy cái Mỹ Tâm cũ cũng vẫn cứ đông nghẹt người. Tôi hay được nhờ bạn bè thiết kế các tour khi vào Tây Nguyên du lịch và cơm gà Mỹ Tâm bao giờ cũng được tôi dành cho một buổi với chú thích: Không phải chỉ vì rẻ mà là nó ngon thật sự và là một phần ký ức của Pleiku...
Pleiku giờ cũng có thêm nhiều quán cơm gà khác, nhưng nhiều người vẫn đến với Mỹ Tâm, như một hoài niệm, mà lại cũng rất hiện tại. Lại chợt nghĩ, dễ gì một bữa ăn mà lại có sự vang vọng cả ký ức và hiện tại như thế!
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.