Kbang phát triển cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để bảo tồn nguồn dược liệu quý và giúp người dân địa phương tăng thu nhập, huyện Kbang (Gia Lai) đã triển khai xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu.
Huyện Kbang có hàng trăm loài cây dược liệu quý như: bum xì ke, sa nhân, nấm linh chi, sâm... mọc tự nhiên dưới tán rừng ở các xã như Kon Pne, Đak Rong, Krong… Trước đây, người dân chủ yếu khai thác các loại dược liệu này để bồi bổ sức khỏe. Nhưng gần đây, khi nhu cầu dược liệu trên thị trường ngày càng lớn, tình trạng người dân vào rừng thu hái các loại cây này đem về bán lại cũng ngày càng tăng. Hệ quả là nhiều loài dược liệu quý trên địa bàn huyện đứng trước nguy cơ tận diệt.
  Các loại dược liệu được bày bán tại chợ thị trấn Kbang. Ảnh: N.T
Các loại dược liệu được bày bán tại chợ thị trấn Kbang. Ảnh: N.T
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Để bảo tồn các giống dược liệu quý và giúp người dân tăng thu nhập, đầu năm 2016, huyện Kbang xây dựng kế hoạch chi tiết về việc phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Lãnh đạo huyện đã trực tiếp gặp gỡ với chuyên gia đầu ngành địa chất cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trong cả nước để nắm bắt thông tin và kêu gọi đầu tư trồng, chế biến cây dược liệu. Các cấp chính quyền huyện tổ chức gặp gỡ người dân, tuyên truyền, vận động tham gia trồng cây dược liệu để bảo tồn giống gen quý. Bên cạnh đó, huyện tổ chức ngày hội du lịch để giới thiệu tiềm năng và quảng bá các sản phẩm dược liệu của địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Kbang đã trồng thí điểm gần 50 ha sa nhân tại xã Sơn Lang và Đak Rong; phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích loại cây trồng này lên 100 ha. Huyện cũng  đang thí điểm trồng xen dưới tán rừng ở các xã Kon Pne, Sơ Pai, Krong một số giống cây dược liệu quý như: đương quy, đinh lăng, cà gai leo, hoàng đằng...
Ông Mã Văn Tình cho biết thêm: Đã có nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn đến khảo sát về việc trồng, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện. Sau khảo sát, họ đang làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh để có phương án đầu tư sản xuất, chế biến. Huyện cũng được Trường Đại học Đà Lạt chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô tế bào một số giống cây dược liệu quý.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.