Điểm sáng đổi mới dạy và học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, Gia Lai đã ký Quyết định số 760/QĐ-UBND tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm học 2017-2018 cho Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Sao).
  Họp Ban Giám hiệu mở rộng để bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.     Ảnh: L.T
Họp Ban Giám hiệu mở rộng để bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Lương Thanh
Dưới sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cùng cấp ủy và chính quyền xã Ia Sao, Trường THCS Tôn Đức Thắng thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”, nâng cao hiệu quả hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, giúp đỡ học sinh vươn lên trong học tập.
Thầy Trương Tất Mạnh­-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trường có hơn 50% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em nông dân, đời sống còn khó khăn. Vì vậy, công tác duy trì sĩ số học sinh gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đoàn thể tại các thôn làng, giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đến trường. Nhờ đó, duy trì tỷ lệ sĩ số học sinh ra lớp là 98%, đạt chỉ tiêu kế hoạch”.
Trường cũng thường xuyên khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, chủ động, tiếp thu kiến thức và tự đánh giá kết quả học tập của bản thân; thành lập các tổ, nhóm học tập, “đôi bạn cùng tiến” trong các khối lớp để giúp đỡ nhau học tập. Chú trọng đổi mới quản lý và phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tăng cường công tác thăm lớp dự giờ, kiểm tra hồ sơ giáo án của giáo viên để khắc phục tồn tại, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy. Đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, cải tiến phương pháp soạn giảng, sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học, cách kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh... Cô Vũ Thị Mai Tri, Tổ trưởng Tổ Văn-Sử, bộc bạch: “Tổ phối hợp với Ban Giám hiệu quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên thông qua các hoạt động dự giờ, hội giảng, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, tham dự các lớp tập huấn do ngành tổ chức và tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn…”.
Mặt khác, ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức họp nhắc nhở phụ huynh quan tâm chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con em, hướng dẫn phụ huynh quản lý việc học bài, làm bài tập ở nhà. Tăng cường phối hợp giữa giáo viên với chi hội phụ huynh học sinh của lớp, giữa giáo viên với từng phụ huynh trong việc giáo dục con em. Nhờ vậy, chất lượng chuyên môn của trường nâng lên về mọi mặt. Riêng năm học 2017-2018, trường có tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện vượt 14,4% chỉ tiêu giao, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh vượt 44% chỉ tiêu giao... Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 24,2%, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 97%, hơn 30 người được đề nghị công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, gần 10 người được đề nghị công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường. Ảnh: Lương Thanh
Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường. Ảnh: Lương Thanh
Nhiều giáo viên đã lập thành tích tốt, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy chung của trường như cô giáo Dương Thị Kiều Oanh-giáo viên môn tiếng Anh. Từ năm 2015 đến nay, cô đã đầu tư viết nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm phương pháp dạy kỹ năng nói và đọc tiếng Anh ở trường THCS, các phương pháp giúp học sinh hệ thống hóa từ vựng tiếng Anh lớp 9... Các sáng kiến kinh nghiệm trên đã được trường và ngành đánh giá cao, đưa vào áp dụng rộng rãi.
Một giáo viên tiêu biểu khác là thầy Trương Minh Hòa. Từ năm  2015 đến 2017, thầy Hòa đã đầu tư nghiên cứu, áp dụng thành công các sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Địa lý. Thầy Hòa chia sẻ: “Với môn Địa lý, khi gặp dạng bài tập vẽ và phân tích các loại biểu đồ, nhiều học sinh rất lúng túng, nhất là khâu xử lý số liệu và xác định dạng biểu đồ cần vẽ. Do vậy, tôi mạnh dạn đưa ra một số phương pháp rèn luyện kỹ năng vẽ và phân tích các loại biểu đồ trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý 9, giúp hình thành kỹ năng và chủ động khai thác kiến thức từ các phương tiện và tài liệu học tập, phát triển năng lực tự học, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn...”.
Cùng với nỗ lực của cô Oanh, thầy Hòa, nhiều sáng kiến kinh nghiệm khác cũng được áp dụng rộng rãi trong tập thể cán bộ, giáo viên của trường, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng giáo dục chung của huyện nhà.
Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.