Nhớ một đêm thơ ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ rõ ấy là vào những ngày tháng cuối cùng của năm 1974 hay đã bước sang đầu năm 1975. Lúc bấy giờ tôi đang là thằng trốn lính từ Kon Tum lén lút ở trọ nhà người quen tại Pleiku để tiếp tục học phổ thông với tên tuổi khác, đang cố giấu biệt tông tích để khỏi bị lộ. Thế mà tự dưng một hôm có người đón đường tôi ở dốc Diệp Kính mời tôi tối ấy tham dự một đêm thơ!

Số là năm 1972 tôi vừa 17 tuổi, đang học lớp 11 tại Kon Tum. Vì chiến sự 1972 “mùa hè đỏ lửa” nên chính quyền Sài Gòn lệnh tổng động viên, bắt lính từ tuổi 17. Thế là một thế hệ chúng tôi đành bỏ học giữa chừng, đứa vào lính, đứa trốn lính, đứa bất mãn quên đời… Tôi trốn lính!

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Sau 2 năm trốn lánh ở quê nhà Tây Sơn-Bình Định, đến niên khóa 1974-1975 ba tôi gọi về gửi ở nhờ nhà một người quen trên đường Phan Đình Phùng-Pleiku với giấy tờ tên Tạ Văn Nhu, vào học lớp 12 Trường Tư thục Bồ Đề (nay là trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku). Một chiều tan học, khi cắt ngang Diệp Kính để về hướng đường Phan Đình Phùng thì tôi “bị” một người lạ “đón đường”, như đã kể.

Tôi cũng không còn nhớ người này là ai nữa, chỉ mang máng đó là một cây bút trẻ của Pleiku thời bấy giờ, dường như tên Thảo thì phải! Không hiểu sao người ấy biết tôi là tác giả một số tác phẩm thơ văn đã được in đăng trên các báo, tạp chí văn học ở Sài Gòn từ 1970 và càng không biết sao  anh lại biết thằng học trò trốn lính tên Nhu này là tôi? Tôi quá ngỡ ngàng và lo ngại bị “lộ tẩy”! Tuy nhiên lời mời tham dự đêm thơ lại đụng đúng vào niềm đam mê đang hừng hực của mình khiến tôi quên béng thân phận mà… vui vẻ nhận lời!

Đêm ấy tại căn nhà nhỏ của đại úy quân cảnh-nhà thơ Hoàng Khởi Phong, trong một con ngõ nhỏ đường Hai Bà Trưng-Pleiku, nơi có quán cà phê Da Vàng rẽ vào (gần khu vực Tỉnh ủy Gia Lai ngày nay), tôi gặp toàn… người lạ! Chủ nhà là Hoàng Khởi Phong-một nhà thơ luôn nói về nỗi niềm u uất của người trong cuộc chiến-nhất là tập thơ “Phục hồi quyền chức làm người” của ông mà tôi đã đọc-nên mặc dù là sĩ quan nhưng ông lại được xét vào thành phần “có vấn đề”. Những người còn lại là nhà thơ Vũ Hoàng, nhà thơ Lê Nhược Thủy (thầy giáo), anh Trần Chế Ngự (bây giờ sinh sống ở An Nhơn-Bình Định), anh Hàn Dạ Thảo… Hình như có cả nhà thơ Vũ Hữu Định-tác giả bài thơ nổi tiếng “Còn chút gì để nhớ”.

Nhìn quanh quất, tôi đâm ra hoang mang! Các anh đều là giáo viên, giáo sư, sĩ quan, công chức…, chỉ duy mỗi mình tôi là “bạch diện thư sinh”! Lúc đầu tôi có cảm giác “ơn ớn”, nhưng không khí giao lưu thơ giữa ánh đèn bạch lạp lung linh và hương trầm ngan ngát như mỗi lúc một làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, khiến tôi cũng bớt đi dáng bộ khép nép của thằng em út.

Cuối cùng, cũng đến lúc thằng em út là tôi được giới thiệu đọc thơ. Có lẽ đã được đẫm mình qua những vần thơ ẩn chứa những “nỗi buồn nhược tiểu”, những “thân phận lưu đày”, những “phù du kiếp người”… của các anh chị đã trình bày, toàn là những ẩn ý bóng gió xa xôi về nỗi niềm phản kháng của một thế hệ bị bao vây khốn cùng giữa lòng cuộc chiến, tôi bèn đọc ra rả bài thơ “Gửi em cô gái quê nhà” của Võ Quê (một cây bút đấu tranh rất mạnh ở Huế) mà tôi mới vừa được đọc trên tạp chí Đối Diện và thuộc luôn! Được vỗ tay rào rào và mời tiếp tục, tôi cao hứng tiếp luôn bài thơ “Mẹ” của Thu Bồn (một nhà thơ “Việt Cộng”) cũng vừa được đọc trên Đối Diện!

Sau khi “ngất ngư” với những tràn vỗ tay tán thưởng, tôi bỗng giật thót người như tỉnh ra sau cơn nhập đồng! Thôi, chết tôi rồi! Giữa nơi “tai vách mạch rừng” (nhà của đại úy quân cảnh mà lị!) mà lại oang oang, nào là: “Ơi, người mẹ bần cùng khốn khổ/Hết Tây rồi đến Mỹ cùm tra/Tây xua, rồi Mỹ đốt nhà/Hai mươi năm nhớ bóng cha đi đày…” (Thu Bồn); hay: “Nhớ làm răng ngọn đồi đất đỏ/Vườn chè xanh bom Mỹ phá tan tành/Em lặng ngắm thương giáo đường nát đổ/Chúa lặng buồn đôi mắt bám rêu xanh…” (Võ Quê)… Bất giác, tôi có cảm giác có chiếc xe “xanh-trắng” nào đó đang đỗ xịch ngoài kia chuẩn bị “lượm” mình đi! (Thời ấy, xe cảnh sát sơn 2 màu xanh, trắng).

Đêm thơ tàn, chia tay ra về. Trên đường từ Hai Bà Trưng cắt qua Nguyễn Đình Chiểu về Phan Đình Phùng, bước chân tôi như có ma đuổi. Tôi đi trong phấp phỏng lo âu, lúc nào cũng cảm giác có chiếc xe xanh-trắng đang đuổi sau lưng mình! Cho đến những ngày sau đó, cái cảm giác ấy vẫn không rời; bởi tôi biết, nếu bị bắt, thì cuộc đời sẽ rẽ sang một con đường vô định! Nhưng may quá, không có gì xảy ra, cho đến… giữa tháng 3-1975, cuộc chiến im tiếng súng, chấm dứt những tháng ngày phập phồng, bế tắc của đời tôi.

Những đêm thơ như thế chính là biểu hiện một mạch “sóng ngầm” của giới văn nghệ, trí thức giữa lòng đô thị Pleiku-“thủ phủ Quân đoàn II, Quân khu II” ngập tràn lính tráng và súng ống-một thời trước 1975 mà ít người biết được.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.