Trường ngoài công lập tạo dựng "vị thế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh sau đẻ muộn, các trường ngoài công lập ở bậc phổ thông trên địa bàn tỉnh dù chưa thể so sánh về quy mô lẫn bề dày thành tích song cũng đang dần khẳng định được vị thế, góp phần giải quyết nhiều bài toán chưa bao giờ là cũ đối với giáo dục bậc phổ thông của địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh về một môi trường giáo dục toàn diện.

Gia Lai hiện có 3 trường ngoài công lập bậc phổ thông gồm: Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa), Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (APC Gia Lai, TP. Pleiku) và Trường Bán trú Mầm non, Tiểu học, THCS Sao Việt (TP. Pleiku).

 

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).                                                                                             Ảnh: Nguyễn Giang
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Giang

Ngày càng “hút” học sinh...

Có lẽ không nhiều người biết rằng mô hình trường dân lập bậc phổ thông đã có mặt ở Gia Lai từ 13 năm trước và bất ngờ hơn khi khởi nguồn tại địa bàn... huyện. Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) được thành lập từ tháng 7-2004. Qua 13 năm hình thành và phát triển, năm học 2017-2018 này, trường có 680 học sinh, trong đó có 350 học sinh nội trú và 330 học sinh bán trường trú. Sự ra đời của nhà trường đã giải quyết nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục-Đào tạo địa phương từ cơ sở vật chất, nhu cầu học 2 buổi/ngày đến việc làm cho giáo viên, nhân viên. Thêm vào đó, mức học phí trung bình chưa đến 1 triệu đồng/học sinh/tháng và đặc biệt chỉ tiêu hàng năm khoảng 100 học sinh dân tộc thiểu số được miễn hoàn toàn học phí của đơn vị đã phần nào xóa bỏ được định kiến “trường tư thục chỉ dành cho con nhà có điều kiện”.

Ông Bùi Văn Hớn-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đak Đoa, cho biết: “Những năm qua, chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký rất ổn định, góp phần giảm áp lực cho các trường công. Hơn nữa, đây còn là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình của nhiều phụ huynh trên địa bàn”.

Còn với Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (APC Gia Lai), mức học phí dao động từ 1,7 triệu đồng/tháng đến 3,7 triệu đồng/tháng cho học sinh từ Tiểu học đến THPT được đánh giá là “không hề thấp đối với mức thu nhập bình quân của các gia đình, nhưng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, đặc biệt là các môn học ngoại khóa và các câu lạc bộ năng khiếu mà các em được lựa chọn thì rất xứng đáng”-chị Thanh Nga ở phường Ia Kring (TP. Pleiku), một phụ huynh có 2 con đang học tại trường chia sẻ.

Năm học mới 2017-2018, các trường ngoài công lập đều rất khả quan trong việc tuyển sinh. Thậm chí, sĩ số học sinh Trường APC Gia Lai hiện tăng gần gấp đôi so với năm học trước (từ 280 em lên gần 500 em) dù đã khống chế tiêu chuẩn xét tuyển học sinh vào trường phải đạt từ học lực khá trở lên. Không chỉ đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, 21 giải thưởng trong các kỳ thi toán học quốc tế tại Việt Nam và tại Singapore của học sinh Trường APC Gia Lai trong năm học vừa qua là thành tích đáng ghi nhận mà không phải trường phổ thông nào cũng làm được.

Trong khi đó, Trường Bán trú Mầm non, Tiểu học, THCS Sao Việt do Công ty TNHH Sao Việt Gia Lai thành lập cũng đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh với quy mô công trình phục vụ cho 2.500 học sinh gồm nhà học lý thuyết, khối nhà học thực hành, phòng học các bộ môn; khu bán trú, nhà ăn, căng tin; nhà thể thao đa năng, sân bóng đá nhân tạo, hồ bơi…, đảm bảo các điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.

Xu thế tất yếu

Dù chưa đến mức ồ ạt nhưng việc không ít phụ huynh lựa chọn 3 ngôi trường phổ thông ngoài công lập trong năm học mới này, thậm chí chuyển ngang con em mình từ trường công lập sang là một vấn đề cần phải được nhìn nhận nghiêm túc từ nhiều khía cạnh.

Chị Trần Thị Hà (thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Ở Trường Trương Vĩnh Ký, con tôi học tập rất tốt, các cháu lúc nào cũng muốn đến trường vì được sinh hoạt kỹ năng sống, chơi thể thao. Tôi nhận thấy sự phát triển toàn diện của các con sau những năm học tập tại đây”. Còn chị Nguyễn Thị Lành (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), một phụ huynh của Trường Bán trú Mầm non, Tiểu học, THCS Sao Việt chia sẻ: “Tôi rất yên tâm vì cơ sở vật chất nhà trường đầy đủ, được xây mới khang trang, khu vui chơi trong nhà mát mẻ, an toàn. Vào dịp hè, nhà trường còn tổ chức các khóa học kỹ năng sống rất bổ ích”.

 

Các trường ngoài công lập đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng được uy tín và được phụ huynh tin tưởng gửi con em ngày càng nhiều. Gia Lai đang có những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, do đó Sở sẽ tạo điều kiện để các trường phát triển, nhất là trong công tác chuyên môn để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo

Một số phụ huynh khác lại không hề ngần ngại chia sẻ lý do: “Trường công lập bây giờ có lớp gần 50 em, giáo viên không thể quan tâm hết được dẫn đến phụ huynh phải chạy đua để lấy lòng thầy cô”. Nhiều phụ huynh lại cho rằng bệnh thành tích, vấn đề dạy thêm học thêm, vệ sinh trường học... đã trở thành chuyện muôn thuở mà các trường công lập khó có thể giải quyết được. Cũng không loại trừ tâm lý “chạy theo phong trào” của không ít phụ huynh vì thấy họ hàng, người quen, đồng nghiệp cho con chuyển trường nên cũng… chuyển theo.

Phải thừa nhận rằng, sự ra đời của mô hình giáo dục ngoài công lập là một xu thế tất yếu và cũng là chủ trương đang được nhiều địa phương-trong đó có Gia Lai-khuyến khích trong công tác xã hội hóa giáo dục. Song, sự quản lý sát sao, đồng bộ từ cơ quan chức năng là điều vô cùng cần thiết để các cơ sở giáo dục ngoài công lập có những bước phát triển vững chắc, song hành cùng hệ thống giáo dục quốc dân, loại bỏ kiểu tư duy “ăn xổi ở thì” của các nhà đầu tư một khi đã bước chân vào lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này; qua đó đáp ứng yêu cầu học tập và rèn luyện ngày càng cao, mang đến sự an tâm cho học sinh và phụ huynh trên địa bàn.

Hải Uyên-Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.