Ấn tượng An Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người ta hay gọi miền đất phía Tây phủ Quy Nhơn ngày xưa (nay là tỉnh Bình Định), phía đèo Mang Yang là An Khê, nhưng tôi thích gọi địa danh này là An Sơn hơn, bởi vì chữ “Sơn” gắn với núi rừng, đúng với bản chất của một vùng sơn cước mà cư dân chủ yếu là người Bahnar, Xê Đăng.

Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân, những người Việt đầu tiên có mặt ở vùng đất này chủ yếu là lưu dân bị chính quyền phong kiến bấy giờ đày vào nơi rừng thiêng nước độc để sinh cơ lập nghiệp, do đó các địa danh có tiền tố “An” được ra đời với mong mỏi về sự bình an. Đến thời 3 anh em nhà Tây Sơn dấy binh khởi nghĩa thì vùng An Sơn được mang tên mới là Tây Sơn Thượng đạo để phân biệt với Tây Sơn Hạ đạo thuộc vùng đất phía hạ lưu sông Côn.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Tây Nguyên (trước năm 1975), khi xe chạy trên quốc lộ 19 vượt đèo An Khê cao vời vợi rồi đến một thị trấn nhỏ, cậu tôi ngồi bên giới thiệu: “Đây là vùng An Sơn, quê hương của mợ con (vợ của cậu-N.V)”. Tôi có nhận xét ban đầu: “Vùng đất bên đèo mây núi chập chùng, có sông lớn chảy qua, đẹp quá cậu ạ!”. Cậu tôi giải thích thêm: “Nếu con học lịch sử và biết Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ thì đây là nơi khởi dựng đại nghiệp của Tây Sơn Tam Kiệt. Từ vùng núi phía Tây này, chỉ trong vòng 3 năm mà các ông đã xây dựng một căn cứ địa tập hợp nghĩa quân để rồi tiến về đồng bằng lập nên những chiến công oai hùng, dựng lên một triều đại mới”. Lúc đó, lòng tôi càng rạo rực muốn được dừng chân để có những trải nghiệm đầu tiên trên vùng đất thiêng này, tự hào là mình đã ghé thăm một di tích lịch sử đặc biệt nhưng không thành.

Sau này, khi bước vào làng báo, tôi được đặt chân khắp địa bàn Bắc Tây Nguyên và đã dành thời gian về tìm hiểu vùng đất địa linh này. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đây là vùng đất ít bị bom đạn tàn phá. Thị trấn An Khê bé nhỏ bên dòng sông Ba hiền hòa trải qua bao chính biến vẫn tồn tại và phát triển ngày một khang trang hơn. Người An Khê ngày nay vẫn mang dáng dấp cần cù, chất phác, nói bằng chất giọng thổ âm Bình Định nhưng có âm sắc nặng hơn người xứ Nẫu ở đồng bằng. Lối kiến trúc đình, miếu và nhà ở cũng theo kiểu 3 gian 2 chái, mái thấp… như người Bình Định chính thống, mặc dù có nhiều gia đình, dòng họ đã di cư lên An Sơn đến thời điểm này đã 5-6 đời. Bấy giờ, buổi sáng sớm thức dậy ở chốn chập chùng núi đồi này, tôi vẫn được nghe tiếng vó ngựa lốc cốc bên đường; những anh xà ích điều khiển xe ngựa chở hàng, chở người chạy khắp các ngả đường thị trấn làm tôi có cảm giác mình đang ở trên miền An Nhơn, Đập Đá-Bình Định xưa.

Khi tiếp cận với vùng Tây Sơn Thượng đạo lần đầu, tôi được bác Chương, người có nhiều năm làm Trưởng tế ở An Khê Đình (Đình ngoài) và An Khê Trường (Đình trong) đưa đi tham quan. Đây là nơi diễn ra nhiều lễ tế hàng năm, như lễ hội mừng Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (ngày mùng 4 tháng Giêng Âm lịch), lễ khai sơn (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), lễ hội Quý Xuân (mùng 10 tháng 2 Âm lịch), giỗ Quang Trung Hoàng đế (29-7 Âm lịch). Bấy giờ còn nhiều khó khăn nên địa phương và nhân dân chưa có điều kiện trùng tu các di tích ở Thượng đạo nên còn hoang sơ, nhiều nơi đã thành phế tích trông rất đau lòng. Chẳng hạn, Đình trong khi đó chỉ còn là ngôi nhà xập xệ, hàng cột kèo bị mối mọt, thềm bệ đá rêu phong nằm trong một khu vườn rộng có nhiều bóng cây cổ thụ, cỏ lau um tùm, phía trước là 3 bệ thờ tạm bợ. Tương truyền đây là nơi nền nhà cũ của Trại chủ Nguyễn Nhạc, khi ông còn có biệt danh là Hai Trầu, thường xuyên buôn bán với người miền Thượng. Người ta đã khai quật được những chiếc bình vôi cũ trong vườn nhà nơi đây và có lẽ đó là chứng tích còn lại của tiền nhân đã từng đi lại, sinh hoạt trong ngôi nhà cổ ấy.

Nhớ  buổi trưa hôm đó, trong không gian u tịch, khi bước vào Đình trong thắp hương cho 3 vị tiền bối nhà Tây Sơn, tôi đã giật mình suýt làm rơi những nén hương trên tay vì tiếng ngựa hý vang sát bên vách sau đình. Bác Chương kịp thời trấn tĩnh tôi: “Ngựa của cậu hàng xóm thường cột ở Đình này đó mà! Có lẽ con ngựa nghe tiếng người lạ vào Đình nên kêu lên để chủ nó biết”. Tôi hơi bất ngờ là có ngựa trong khuôn viên Đình lúc này. Tiếng ngựa kêu đã đưa tôi trở về với hồi ức lịch sử xa xưa, thời mà nơi đây đã lập nên chiến lũy (An Lũy) tích cóp binh-lương để xuất binh xuống núi chinh Bắc phạt Nam, đánh đuổi ngoại xâm, thu giang sơn về một mối, lập nên nhà Tây Sơn đầy kỳ tích...

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.