Kbang: Độc đáo du lịch "về nguồn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nói đến tiềm năng du lịch Gia Lai, người ta thường nghĩ ngay đến di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn với cồng chiêng, lễ hội, bến nước, nhà rông… hay những cánh rừng đại ngàn. Thế nhưng, trên thực tế Gia Lai còn có những điểm đến lý thú trên nền di sản cách mạng kháng chiến nhưng lại mang những sắc thái rất riêng.

Có thể kể những điểm đến như Căn cứ địa cách mạng khu X (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) và Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).

 

Cuộc sống yên bình ở làng Stơr.                                                                                 Ảnh: Đ.T
Cuộc sống yên bình ở làng Stơr. Ảnh: Đ.T

Năm 1986, tôi xuống làng Stơr lần đầu khi vùng đất này còn vô cùng heo hút, con đường từ quốc lộ 19 vào làng mới (vị trí hiện nay của làng) chỉ hơn 8 km mà gập ghềnh dốc đá chênh vênh, dù là mùa nắng hay mưa thì hầu như cũng chỉ có thể đi bộ. Còn từ làng mới lên làng cũ, nơi bok Núp bắn Pháp chảy máu thì phải mất cả buổi, men theo đường mòn ven suối Tơ Tung, đi qua nhiều ngọn đồi, khe suối mới đến nơi. Lúc ấy, chúng tôi nào có dám mơ đến một ngày nơi đây sẽ là địa chỉ thu hút được khách du lịch.    

Thế mà, trong nỗ lực của tỉnh và địa phương những năm qua, vùng đất Kbang xa xôi cách trở được kéo về gần hơn với phố thị bởi hệ thống giao thông đã được đầu tư. Dù kinh phí không nhiều, nhưng di tích Làng kháng chiến Stơr đã được quy hoạch, đầu tư từng bước một cách thận trọng. Năm 2006, tại khu vực 2 của di tích, ngôi nhà rông do Sở Văn hóa-Thông tin TP. Hồ Chí Minh tặng đã làm cho làng bớt đi vẻ quạnh quẽ. Năm 2011, sau gần 20 năm Làng kháng chiến Stơr được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, nhân dịp chào mừng 97 năm Ngày sinh Anh hùng Núp (2/5/1914–2/5/2011), công trình nhà lưu niệm Anh hùng Núp được khánh thành.

Để Làng kháng chiến Stơr thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong những năm gần đây, hạng mục quan trọng và khó khăn nhất của công trình đã được triển khai, đó là tái hiện lại toàn cảnh Làng kháng chiến Stơr với 7 nóc nhà có tỷ lệ 1/1 (như nhà thật) trên đỉnh núi Ta-gu xa xôi, tại không gian làng mới. Để bắt tay vào việc này, huyện Kbang đã thận trọng tổ chức một cuộc hội thảo, mời các cơ quan chức năng, các nhân chứng về đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản vẽ. Đặc biệt trong hội thảo này, nhà văn Nguyên Ngọc cũng được mời về và tham gia chuyến khảo sát địa điểm dự kiến sẽ phục dựng làng kháng chiến tại di tích, trên một sườn đồi có cảnh quan tương tự như làng cũ.

Đến nay, về cơ bản Làng kháng chiến Stơr đã được tái hiện. Huyện đã vận động 5 hộ dân về sống tại làng, đó là những nghệ nhân giỏi đan lát, dệt vải… 2 ngôi nhà còn lại, cùng với ngôi nhà rông do TP. Hồ Chí Minh tặng, theo dự tính sẽ là những địa chỉ để du khách có thể nghỉ lại qua đêm, thưởng thức rượu cần, cơm lam, gà nướng… cùng cồng chiêng và những điệu xoang bên ánh lửa bập bùng; hoặc nghe chuyện làng Stơr nhiều lần dời làng theo bok Núp, theo cách mạng đánh giặc. Những người Bahnar của làng Stơr-cũng là những nghệ nhân dân gian được chọn lên ở trong khu vực làng mới phục dựng-phấn khởi nói với chúng tôi: “Từ 2 tháng nay lên sống trên làng mới, chúng tôi cố dệt nhiều thổ cẩm, đan nhiều gùi, trước là để trưng bày cho đẹp, sau là để phục vụ du khách. Mỗi lần có khách đến, chúng tôi vui lắm”. Dân làng cho biết, mấy tháng nay, ngày nào làng cũng được đón khách. Có lẽ vì vậy mà địa điểm Làng kháng chiến Stơr vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xếp trong top 10 điểm đến hấp dẫn của tỉnh Gia Lai năm 2017.

Cùng với Làng kháng chiến Stơr, di tích Căn cứ địa cách mạng khu X tỉnh Gia Lai (nay nằm trong địa phận xã Krong, huyện Kbang) với các địa điểm: Cơ quan Tỉnh ủy, Cơ quan Tỉnh đội, cánh đồng Ban Kinh-Tài bên thác Đak Bok và 2 Trạm Giao bưu của tuyến hành lang trung ương đi qua địa bàn Gia Lai nằm bên suối Knia và sông Ba với dấu tích cầu dây, bếp Hoàng Cầm… nép dưới những cánh rừng cũng là một điểm đến đã được nhiều người quan tâm nhờ có con đường trải nhựa vào đến tận trung tâm xã Krong-thị trấn Dân Chủ xưa.

Trong chương trình hợp tác giữa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, ngày 22-7 tới đây, nhân dịp huyện Kbang tổ chức Liên hoan cồng chiêng cấp huyện, đoàn khách quan trọng do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cùng các doanh nghiệp du lịch của thành phố phía Nam này sẽ đến với Kbang, khảo sát các di tích Căn cứ địa cách mạng khu X và Làng kháng chiến Stơr. Hy vọng đó sẽ là điểm khởi đầu để mở ra một triển vọng mới cho du lịch Gia Lai nói chung, tour du lịch trên nền di sản cách mạng kháng chiến ở Kbang nói riêng.

Nguyễn Thị Kim Vân

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.