Khách Ấn Độ không biết Việt Nam ở đâu, có những gì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là thực trạng được ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh của Việt Nam tại Qatar chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ" diễn ra sáng nay 8.9.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 (ITE HCM).

 

Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và Trung Đông. Ảnh: Hoàng Trung
Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và Trung Đông. Ảnh: Hoàng Trung


Giới thiệu về đặc điểm nguồn khách này, Đại sứ Trần Đức Hùng cho biết khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước có dân số 453 triệu người, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Ả rập Xê Út, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu và tổng thu nhập hơn 3.464 tỉ USD. Riêng tại Ấn Độ cũng có nhóm khách thu nhập bình quân đầu người cao giống 6 nước vùng Vịnh, trung bình từ 80.000 - 120.000 USD/người.

Vì thu nhập cao nên họ có nhu cầu đi nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp, hạng sang với đầy đủ tiện nghi gồm spa, safari cho trẻ con để đi cùng gia đình. Thời gian cho trẻ em nghỉ học ở Trung Đông vào khoảng tháng 7 - tháng 8, khi thời tiết cực nắng nóng, có khi lên tới 45 độ C nên họ ưa thích đến những khu nghỉ dưỡng trong rừng xanh hoặc tới những bãi biển đẹp. Thời gian mỗi chuyến đi có thể kéo dài từ 30 ngày đến 2 tháng.

Mặt khác, những năm gần đây, khách du lịch Trung Đông đang cấp bách tìm kiếm những điểm du lịch mới do những điểm truyền thống đã bão hòa. Với những đặc điểm như vậy, khách từ Ấn Độ nói riêng và vùng Trung Đông nói chung là thị trường vô cùng tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

Thế nhưng, dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới nhưng khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể, đặc biệt là lượng du khách từ các nước GCC. Trong khi đó, các thị trường du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... lại thu hút mạnh lượng du khách từ các nước đạo Hồi, chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao.

Nguyên nhân là thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế. Chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên.

"Khi đặt vấn đề giới thiệu về du lịch Việt Nam, họ tỏ ra ngạc nhiên: "Wow, Việt Nam nằm ở chỗ nào? Có những cái gì?". Chứng tỏ thông tin quảng bá của mình làm chưa tốt"-ông Hùng dẫn chứng.

Ngoài đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thường xuyên tổ chức các chương trình hội chợ, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông tham dự, Đại sứ Trần Đức Hùng đề xuất cần tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch...

Đồng thời, tăng cường chuẩn bị về hạ tầng, đảm bảo sự riêng tư phù hợp với đặc điểm tôn giáo. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết kế các chương trình tour đặc biệt, phù hợp với nhóm khách Trung Đông "nhà giàu" chấp nhận chi trả cao cho các loại hình dịch vụ cao cấp, riêng tư, không bị gò bó theo chương trình tour...

Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông đang được đánh giá là thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam. Ấn Độ là thị trường lớn với dân số hơn 1,3 tỉ và sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, với hơn 1,4 tỉ người. Theo thống kê, năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, vươn lên top 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam. Khách Ấn đến Việt Nam tháng 7 năm nay đạt 11.700 lượt và là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất.

 

Theo Hà Mai (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm