Liên kết cho "một hành trình, nhiều điểm đến"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Hai ngày qua, đoàn công tác của TP HCM gồm lãnh đạo UBND TP và đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) du lịch đã có chuyến làm việc, khảo sát những điểm đến ở Bến Tre và Long An nhằm khởi động lại hoạt động liên kết, phát triển du lịch giữa TP HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Du lịch là một trong những ngành, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, ngành du lịch TP HCM và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã tái khởi động hoạt động du lịch với nhiều chương trình du lịch nội thành tại các "vùng xanh" Cần Giờ, Củ Chi và du lịch liên tỉnh với Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên... theo các tiêu chí an toàn thích ứng với dịch Covid-19.

Tiếp đó, Bến Tre và Long An là 2 địa phương đầu tiên trong lộ trình thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Bến Tre là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch văn hóa, truyền thống lịch sử, sinh thái, cộng đồng, làng nghề gắn với sản phẩm đặc trưng từ dừa. Long An lại có nhiều sản phẩm du lịch thu hút khách như: du lịch sinh thái, du lịch đường sông kết nối với TP HCM, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch giải trí cuối tuần...

Cả 2 điểm đến này có lợi thế là cách TP HCM không xa nên DN du lịch dễ dàng khai thác những tour đi về trong ngày hoặc tour liên tỉnh, liên tuyến. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Du lịch không thể phát triển nếu không có sự liên kết ngành và liên kết vùng. Trong xu hướng gia tăng trải nghiệm của du khách với chương trình du lịch "một hành trình, nhiều điểm đến", việc liên kết lại càng cần thiết.

Ngay khi dịch được kiểm soát, các DN du lịch, trong đó có Saigontourist Group, đã chuẩn bị sẵn phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của mình, với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phải bảo đảm yếu tố an toàn, chất lượng.

Với ĐBSCL, Saigontourist Group đã tiên phong xây dựng các chương trình du lịch xanh với nguồn du khách xanh theo hành trình xanh đến với "vùng xanh" Bến Tre, Long An. Các chương trình tour được tổ chức theo đoàn, khép kín, sinh thái nghỉ dưỡng, phục hồi, tăng cường sức khỏe, không gian thông thoáng, sông nước, thưởng thức ẩm thực đặc sắc bản địa; bảo đảm các tiêu chí an toàn về y tế của 3 phía DN du lịch, du khách và dịch vụ tại điểm đến.

Để có thể sớm đón khách trở lại và khôi phục ngành du lịch TP HCM cũng như ĐBSCL, điều mà các DN mong muốn lúc này là cần ban hành bộ tiêu chí an toàn du lịch thống nhất, triển khai chính thức; bảo đảm tổ chức thuận lợi về giao thông, y tế, du lịch. Cần có danh sách và thời gian hoạt động cụ thể của các khu, điểm dịch vụ tại điểm đến để cả DN du lịch và du khách cùng biết và thực hiện. Không chỉ Bến Tre hay Long An, các điểm đến ở vùng ĐBSCL cũng cần chú ý quan tâm thu hút du khách thông qua việc làm mới sản phẩm thế mạnh đặc trưng vốn có của mình, với chính sách giá phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh.

Việc kết nối lại hoạt động liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành để khai thác thị trường nội địa là giải pháp quan trọng nhằm khôi phục ngành du lịch, từng bước chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại và góp phần tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động.

VÕ ANH TÀI (Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sức hút từ thổ cẩm Gia Lai

Sức hút từ thổ cẩm Gia Lai

(GLO)- Nét đẹp văn hóa từ thổ cẩm truyền thống của dân tộc Jrai, Bahnar ở vùng đất Gia Lai đã có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Ngoài việc được ngắm nhìn nghệ nhân say sưa bên khung dệt, nhiều người còn cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này.
“Bức họa” Chư Jôr

“Bức họa” Chư Jôr

(GLO)- Ở thời điểm mùa lúa non xanh rì hay mùa lúa chín vàng đồng, cánh đồng Chư Jôr (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cũng đẹp tựa một bức họa đồng quê.