Khẩn trương thí điểm hộ chiếu vắc-xin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu chậm trễ trong thí điểm hộ chiếu vắc-xin, Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau khi các nước lân cận mở cửa du lịch. Trong khi đó, lãnh đạo Phú Quốc khẳng định đã sẵn sàng để đón khách quốc tế
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 24-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có giấy chứng nhận đã tiêm chủng (hay còn gọi là "hộ chiếu vắc-xin").
Nên có quy trình, tiêu chí cụ thể
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh theo hướng: Thúc đẩy công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc-xin; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vắc-xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
 
Hòn Thơm (Phú Quốc) sở hữu nhiều bãi tắm đẹp .Ảnh: LAM GIANG
Hòn Thơm (Phú Quốc) sở hữu nhiều bãi tắm đẹp .Ảnh: LAM GIANG
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết ý tưởng triển khai hộ chiếu vắc-xin đã được ngành du lịch đề xuất từ trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo đó, khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin sẽ được đưa đến một số khu du lịch khép kín trong 14 ngày. Nay với giải pháp đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đến Phú Quốc, ông Yên băn khoăn liệu khách nội địa có tiếp tục tới Phú Quốc du lịch không bởi không phải khách nội địa nào cũng được tiêm và tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
"Nếu đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin tới Phú Quốc, cần giải pháp cụ thể về quản lý luồng khách đó ra - vào, người làm du lịch ở Phú Quốc, người dân địa phương và cả du khách nội địa đến. Đang có nhiều vấn đề mà người làm du lịch và người dân, du khách quan tâm. Nếu khách quốc tế đến theo dạng nghỉ dưỡng, chỉ ở trong khu vực khép kín sẽ khả thi hơn hoặc người dân ở Phú Quốc phải tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng khoảng 70% trở lên" - ông Nguyễn Hữu Y Yên góp ý.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, việc nghiên cứu để triển khai hộ chiếu vắc-xin đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ giúp Việt Nam không bị bỏ lại khi các nước xung quanh đã từng bước mở cửa.
"Nếu có quy trình và tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho tất cả bộ phận, khâu liên quan triển khai giải pháp này thì có thể thí điểm ở Phú Quốc, sau đó mở rộng ra nhiều điểm đến khác đáp ứng tốt yêu cầu của hộ chiếu vắc-xin như Hội An, Cát Bà, Côn Đảo và ngay cả Hạ Long…" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Lãnh đạo Vietravel kiến nghị Chính phủ nên quy định rõ loại vắc-xin nào và thời gian du khách tiêm bao lâu sẽ được Việt Nam chấp nhận trong hộ chiếu vắc-xin; quy trình đón và thời gian cách ly tại chỗ để bảo đảm an toàn khi du khách bước ra cộng đồng. Từ đó, các hãng lữ hành, du lịch, hàng không, dịch vụ thuận tiện trong triển khai.
Chủ động bàn sớm về hậu vắc-xin
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Liên Bang Travel, cho rằng cần giải pháp đồng bộ, quy trình chặt chẽ và triển khai thật nhanh nhằm không bỏ lỡ đà hồi phục của du lịch quốc tế. Người dân địa phương nơi đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc-xin như Phú Quốc, cũng phải được tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu không, du khách quốc tế sẽ lựa chọn những điểm khác, nơi người dân đã được chích vắc-xin, thay vì Việt Nam.
Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chứng nhận đã tiêm chủng vẫn có thể chưa phải là giấy thông hành để đi lại giữa các nước. Du khách chỉ đi được nơi mình muốn nếu đã tiêm loại vắc-xin mà nơi đến công nhận.
 
Phú Quốc United Center - khu quần thể nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí ở Phú Quốc
Phú Quốc United Center - khu quần thể nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí ở Phú Quốc
Các nước trên thế giới hiện có quy định khác nhau và mới ở giai đoạn đầu về công nhận vắc-xin cho mục đích đi lại. Trung Quốc là nước đầu tiên ngay từ tháng 2, cho biết sẽ ưu tiên những người tiêm vắc-xin Trung Quốc khi nhập cảnh nước này. Tuy nhiên, vắc-xin Trung Quốc lại mới được một số nước ở Mỹ Latin, Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Châu Phi tiêm chủng cho dân. Còn các nước Liên minh châu Âu và Mỹ đa phần dùng vắc-xin của Mỹ, châu Âu.
Trong ASEAN, các nước sử dụng đa dạng các loại vắc-xin nhưng lại không hẳn là trùng nhau. Để có thể đi lại trong ASEAN, cần khởi động từ bây giờ việc tham vấn về công nhận lẫn nhau các vắc-xin đã được tiêm chủng, trước hết ở cấp song phương, rồi toàn khu vực, vì quá trình này cần có thời gian. Do đó, cần bàn sớm về hậu vắc-xin, nên chủ động thay vì chờ người ta đến.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 25-6, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch báo cáo về việc phối hợp với Bộ Y tế, tỉnh Kiên Giang thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc.
Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải tuyệt đối an toàn, trước hết phải khẩn trương thực hiện thí điểm, kiểm soát thật chặt việc cách ly tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin; hoàn thành các công cụ giám sát việc thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nhà.

Phú Quốc đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết từ tháng 4 vừa qua, tỉnh đã làm tờ trình gửi đến các bộ, ngành xin thực hiện thí điểm đón khách du lịch đến từ Nga theo chương trình du lịch khép kín đối với các chuyến bay thuê bao đến TP Phú Quốc.

Ngay sau khi có kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện chương trình "hộ chiếu vắc-xin" để giúp địa phương vững tin hơn khi đón khách du lịch quốc tế.

"Chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chí đánh giá đối với các khách sạn phục vụ khách quốc tế lưu trú và khi đạt đủ các điều kiện mới cho đón khách. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên trong việc tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân Phú Quốc để tạo kháng thể miễn dịch cộng đồng. Để thực hiện các giải pháp đó, ngành du lịch phải có kế hoạch cụ thể để đánh giá các cơ sở kinh doanh du lịch và đưa ra các tiêu chí phù hợp cho đến quy trình đón khách. Đối với ngành y tế cũng đã có kế hoạch tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân Kiên Giang nhưng ưu tiên cho người dân Phú Quốc. Hiện nay, chúng tôi cũng đang hoàn thiện các kế hoạch này" - ông Trung khẳng định.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, tỏ ra rất vui mừng trước việc Phú Quốc dự kiến là nơi thí điểm "hộ chiếu vắc-xin". Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến "đảo ngọc" đã giảm hơn 95%. Hầu hết các khu resort, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn lớn dừng hoạt động. Các chuyến bay từ TP HCM, Hà Nội và một số đường bay khác đến Phú Quốc giảm hơn 90%. Các hãng tàu cao tốc và phà cũng giảm từ 70%-80%. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên hầu hết các loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh và các loại hình thương mại khác cũng bị ảnh hưởng theo. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào Phú Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" là chủ trương sẽ có tác động mạnh góp phần phục hồi cho du lịch, dịch vụ.

"Nếu chúng ta phòng chống tốt, bảo đảm an toàn thì khách quốc tế lẫn trong nước có "hộ chiếu vắc-xin" mới đến với mình. Chúng tôi đặt an toàn lên trên hết" - ông Hưng nhấn mạnh.

TP Phú Quốc đã có thống kê, báo cáo và đề xuất với tỉnh khi nào có vắc-xin thì tiêm ngừa cho toàn dân trên địa bàn TP.

C.Tuấn - T.Nốt
DƯƠNG NGỌC - THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...