Đánh thức "người đẹp" Mẫu Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đỉnh núi Mẫu Sơn cao 1.541m so với mực nước biển, thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Đã được công nhận là khu du lịch cấp quốc gia của tỉnh Lạng Sơn, nhưng với những gì mà Mẫu Sơn đang có, dù có yêu mến đến mấy đỉnh núi này thì người ta khó có thể quay lại nơi đây để ngắm cảnh, du lịch hay nghỉ dưỡng...
Du khách ngắm cảnh cùng... trâu
Từ TP.Lạng Sơn, tìm đến đỉnh Mẫu Sơn mất hơn 1 giờ cho 30km đường. Xe cá nhân có thể đi một mạch tới đỉnh nếu không bị tắc đường, nhất là những ngày có tuyết hay cuối tuần. Chúng tôi cũng hăm hở khám phá Mẫu Sơn theo tiếng mời gọi từ sự nổi tiếng của đỉnh núi mẹ này.
Từ Quốc lộ 4B đường đi Lạng Sơn - Quảng Ninh, rẽ vào biển chỉ dẫn Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tuy là đường đồi núi dốc nhưng không phải là thử thách với các tay lái. Đến địa phận Khuổi Cấp - bản của người Dao sinh sống trên đỉnh Mẫu Sơn, chúng ta mới bắt đầu chạm vào địa hạt của Mẫu Sơn. Ngoài kính xe của chúng tôi là cả một biển mây dày đặc, đang trườn trên những đồi cỏ xanh mướt, nổi bật lên là những mỏn đá mồ côi xù xì đen thẫm. Anh An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mẫu Sơn, người đã cả đời gắn bó với những bản làng ở đây, nói: "Đây mới thực sự là Mẫu Sơn này. Bình thường, ngày hè ở dưới xã nhiệt độ có thể lên đến 35 độ, nhưng lên tới đây cũng chỉ 20 - 25 độ thôi, lúc nào cũng mát mẻ. Còn mùa đông thì lạnh quá, đến người dân dưới chân núi cũng ngán cái lạnh mùa đông ở Mẫu Sơn này".
 
Du khách chụp ảnh trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: G.T
Du khách chụp ảnh trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: G.T

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, năm 2019 tỉnh đã mời tập đoàn Sungoup về đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng, hiện đã chuẩn bị khởi công hạng mục cáp treo lên đỉnh Mẫu Sơn. Trong tương lai ở Mẫu Sơn sẽ có một khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao, mục tiêu đến năm 2040 có thể đón tới 2 triệu du khách mỗi năm. "Chúng thôi hiểu Mẫu Sơn như một người đẹp đang ngủ, cần được đánh thức và tỏa sáng" - ông Thiệu nói.

Hạ kính xe để cho những đụn mây ùa vào trong xe, kèm theo cả không khí mát sâu đến tỉnh người, khác hẳn với cái lạnh nhân tạo của máy điều hòa nhiệt độ. Xe của chúng tôi đi trong mây, không gợn một chút bụi nào. Nhìn ra 2 bên đồi, một cảnh tượng khá lạ là những nền móng của nhiều biệt thự, nhà hàng bỏ hoang, và từng đàn trâu đang ung dung gặm cỏ. Như đoán được sự thắc mắc của tôi, anh An cho hay: "Mấy cái nhà này trước kia người ta lên xây dựng để làm ăn, nhưng không ăn thua nên bỏ lại dần thành hoang hóa. Ở đây, bà con vẫn còn thói quen thả trâu hoang, vì trâu lên núi rồi thì không chạy đi đâu được, đường thì độc đạo nên trộm cũng không dại gì mà lên bắt trâu. Vài ngày, thậm chí cả tháng, trâu đói muối mới tìm về nhà một lần".
Từ bản Khuổi Cấp, xe đi thêm 4km là tới đỉnh có độ cao 1.541m. Đỉnh núi Mẫu Sơn hiện ra là một khoảng đất bằng, nổi bật là trạm thu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, một ngôi nhà của trung tâm khí tượng, một nhà nghỉ mang tên Mẫu Sơn, mấy cửa hàng bán đồ ăn và đặc sản Mẫu Sơn cho khách du lịch... Tất cả mang một màu xám xịt của thời tiết khắc nghiệt. Nổi bật ở những ngôi nhà là rêu mốc bám đầy. Đỉnh Mẫu Sơn nhìn giống như một thị trấn trong phim cao bồi, hơn là một khu du lịch gắn mác tầm cỡ quốc gia.
Chúng tôi đỗ xe đi lên đỉnh rồi tìm mấy góc phong cảnh đẹp để chụp vài kiểu ảnh. Phải nói rằng đứng ở trên đỉnh Mẫu Sơn, phóng tầm mắt ra bốn hướng đúng là cảm giác rất khác biệt: Xung quanh là những dãy núi xanh ngắt, trời bỗng trong veo còn không khí thì lạnh se se rất hợp với ai có nhu cầu nghỉ dưỡng. Đây là đặc trưng của Mẫu Sơn, mà hiếm có nơi nào ở miền Bắc có được không khí mát lạnh trời ban này.
 
Những đàn trâu nhởn nhơ khắp khu du lịch nổi tiếng. Ảnh: G.T
Những đàn trâu nhởn nhơ khắp khu du lịch nổi tiếng. Ảnh: G.T
Đến giờ ăn trưa, hỏi mấy nhà hàng đặc sản thì đều được câu trả lời "hôm nay là ngày thường, vắng khách nên nhà tôi không bán lẻ, chủ yếu là đợi khách đến cuối tuần lên thôi". Còn người dân Lạng Sơn đã quen với đỉnh Mẫu Sơn, nếu họ lên đây qua trưa thì mang theo đồ ăn sẵn, hoặc chuẩn bị gà nướng, thịt nướng, đến đây chỉ thuê chiếu để ngồi. Ăn xong rồi lại xuống núi về, hiếm người ở lại Mẫu Sơn vì thiếu thốn tiện nghi và rất buồn, vắng vẻ khi màn đêm buông xuống.
Nhìn thấy chỗ bán hàng đang bày trứng nướng, khoai nướng, bánh mì mật ong kẹp thịt có vẻ cũng hấp dẫn, chúng tôi định đến ngồi ăn, thì ông bán hàng vội nói: "Các bác từ từ hãy ngồi, đợi em dọn đống phân trâu này đi đã. Chả là bọn em ở dưới chân núi, sáng thồ đồ ăn lên bán, tối lại về, lán trại để đây. Đêm qua trên đỉnh núi này mưa, lũ trâu thả hoang tìm nơi trú lạnh, chúng bậy luôn cả ra đây làm chúng em phải dọn, bực lắm nhưng chẳng làm thế nào được".
Cần một cơ ngơi đúng tầm
Cả đỉnh Mẫu Sơn có gần chục người bán hàng, nhưng chỉ duy nhất nhà chị Hà có nhà ở trên đỉnh núi. Chị Hà cho biết, ngày xưa bố chị là thầu xây dựng, đã xây cho tỉnh Lạng Sơn những công trình trên đỉnh núi này và được tỉnh "trả" bằng hơn 5.000m2 đất ở đây. Đất có sổ đỏ, chị cũng lấy chồng làm khí tượng ở đây nên bám trụ ở Mẫu Sơn này cũng 20 năm rồi.
Chị kể: "Vào những hôm mùa đông có tuyết, thì đến 500 xe ôtô các loại tới đây ngắm tuyết, tắc đường cả chục km. Những ngày đó bán hàng thì thích lắm vì khách đông, nhưng đông quá lại sợ. Vì ở đây mùa đông, các đường ống nước đóng băng hết, không có nước mà nấu ăn, rửa đũa bát nên rất khó mà phục vụ chu đáo được. Ở đỉnh núi này chỉ có rượu là sẵn do đồng bào người Dao nấu, được ủ trong những thùng gỗ tại các hầm rượu là đặc sản bán tốt nhất thôi và phục vụ lúc nào cũng được. Còn lại đồ ăn, gà, cá, ếch hương và rau đều phải vận chuyển từ chân núi lên hết. Nếu khu du lịch vẫn như thế này, khách lên Mẫu Sơn đông quá thì nhiều người phải ôm bụng đói chứ chưa nói gì là nghỉ lại".
Trong những người chúng tôi gặp ở Mẫu Sơn có anh Nguyễn Phước Hùng, sinh năm 1976, sống tại quận 12 TP.HCM. Anh Hùng cùng nhóm bạn của mình chạy xe môtô từ TP.HCM ra tới Lạng Sơn theo lộ trình du lịch khám phá. Anh Hùng chia sẻ: "Mình tìm hiểu về Mẫu Sơn cũng nhiều, nhưng lên đây thấy đơn sơ quá. Theo lộ trình thì mình cũng cả nhóm 24 người sẽ ở lại đây một đêm, trong nhóm có mấy phụ nữ cũng cần có chỗ ở đàng hoàng xíu. Nhưng lên tới đỉnh Mẫu Sơn này thì kiếm không ra chỗ ở phù hợp, nên chúng tôi chỉ chơi và ăn trưa sơ qua rồi lại chạy về TP.Lạng Sơn nhậu lợn quay và uống rượu Mẫu Sơn thôi".
Còn anh Triệu Văn Trình (sinh năm 1980, người dân tộc Dao ở bản Khuổi Cấp) đang nuôi cá hồi và nấu rượu để bán cho du khách, bày tỏ: "Người dân ở đây mong có một khu du lịch bài bản, có lượng khách ổn định để chúng tôi trồng rau, nuôi cá, nấu rượu đều đặn, ổn định phục vụ khách. Chứ như hiện nay, hôm thì đông quá khách không có gì để ăn, có lúc thì rau trồng để già, cá quá lứa nhưng chờ mãi cũng không có khách tới. Chỉ mong sao Mẫu Sơn đẹp lên, cơ sở vật chất đầy đủ để du khách tìm tới và giữ chân được họ". 
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)

https://danviet.vn/danh-thuc-nguoi-dep-mau-son-20210616151420821.htm

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...