Khách sạn ở Đà Nẵng mở cửa cho có... không khí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù được cho phép hoạt động lưu trú trở lại từ ngày 5-9, nhưng hầu hết các khách sạn ở những phố du lịch tại Đà Nẵng vẫn cửa đóng then cài, chưa vội mở cửa đón khách. Một vài khách sạn treo bảng mở cửa nhưng cũng chẳng đón được khách.

Phố cổ Hội An vắng khách trong dịp lễ 2-9 - Ảnh: B.D.
Phố cổ Hội An vắng khách trong dịp lễ 2-9 - Ảnh: B.D.
Tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch, nhà hàng và khách sạn đã mở trở lại nhưng chủ yếu để "làm nóng bầu không khí", chuẩn bị tinh thần cho các kịch bản sống chung với dịch.
Mở cửa cho có... không khí
Chị Lê Phạm Như Minh - giám đốc khách sạn Như Minh Plaza (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - cho biết sau hơn 40 ngày đóng cửa, khách sạn bắt đầu mở cửa trở lại cho có... không khí và giải quyết việc làm cho một số lao động chứ không hi vọng đón được du khách tại thời điểm này. Bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các hoạt động vui chơi, giải trí, lữ hành chưa hoạt động trở lại...
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), các DN và điểm đến đã chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ từ sau đợt dịch trước, chỉ chờ dịch bệnh qua đi để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng đang bước vào mùa thấp điểm, kinh tế người dân đang rất khó khăn, nhu cầu vui chơi giải trí giảm mạnh, chưa kể nhiều người đã bị kẹt lại ở Đà Nẵng sau khi dịch bùng phát trở lại khiến du khách có tâm lý lo ngại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Hồng Hạnh - giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết do dịch bệnh dự báo sẽ kéo dài tới khi có vắcxin, ngành du lịch đang bàn cách khôi phục hoạt động theo hướng sống chung an toàn với dịch. Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy nhiều DN không vội hoạt động trở lại, bởi phải cân nhắc hiệu quả giữa việc mở cửa và chi phí vận hành, chưa kể du khách còn nhiều lo ngại, chưa dám trở lại Đà Nẵng trong những ngày sắp tới.
"Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch song song với phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo an toàn cho đội ngũ làm du lịch cũng như người dân. Trong đó, việc xây dựng tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch như khách đến phải khai báo y tế và thông tin cá nhân, quy trình hướng dẫn các khách sạn xử lý kịp thời với du khách bị phát hiện nhiễm COVID-19. Sở cũng sẽ tập hợp các kiến nghị của DN để đề xuất lên TP có giải pháp hỗ trợ" - bà Hạnh nói.
Chờ trời sáng...
Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhiều khu du lịch, các khách sạn và nhà hàng tại Quảng Nam đã cho mở cửa trở lại, nhưng chủ yếu nhằm "thăm dò" thị trường, lấy sinh khí cho quý cuối cùng của năm. Dù mở cửa trở lại từ ngày 3-9, nhưng ông Phan Hộ - giám đốc BQL Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn - cho biết không có nhiều hi vọng về doanh thu do đang vào mùa thấp điểm du lịch, chưa kể đường đi từ Đà Nẵng vào Mỹ Sơn vẫn còn bị kiểm soát.
"Chúng tôi mở cửa chủ yếu là để làm nóng bầu không khí, xua tan không khí ảm đạm trong nhiều tháng, cũng là để anh chị em cán bộ công nhân viên có việc để làm và tính toán hướng đi cho thời gian tới. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải làm du lịch ngay trong dịch" - ông Hộ nói. Trong khi đó, ngay từ ngày 28-8, nhiều hàng quán, khách sạn, các công ty du lịch tại Hội An bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngay vào dịp lễ 2-9, Hội An cũng trong cảnh đìu hiu, vắng du khách.
Theo các DN du lịch, đây là lần đầu tiên Hội An rơi vào cảnh vắng vẻ trong ngày Quốc khánh sau 21 năm mở cửa phố cổ làm du lịch do diễn biến dịch tại miền Trung còn phức tạp, TP Hội An chủ yếu đón nguồn khách chuyển tiếp từ Đà Nẵng trong khi Đà Nẵng vẫn đang phong tỏa. Ông Phan Xuân Thanh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho rằng việc mở cửa hoạt động trở lại của các DN chỉ mang yếu tố... tinh thần, sẵn sàng cho các kịch bản thời gian tới - kể cả có dịch hay không có dịch.
"Tinh thần sẵn sàng, cơ sở sẵn sàng trong thời điểm này là rất quan trọng. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi trò chuyện, tọa đàm trực tuyến định kỳ mỗi tối thứ ba hằng tuần với các chủ DN, anh chị em trong nghề để trao đổi thông tin, động viên nhau giữ lửa nghề. Tinh thần là luôn sẵn sàng dù bất cứ diễn biến như thế nào của dịch" - ông Thanh nói.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Du lịch giảm giá sâu để kích cầu

Ngày 5-9, ông Phạm Ngọc Hải, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiệp hội vừa làm việc với các DN trên địa bàn và đã họp thống nhất sẽ giảm giá sâu, từ 50% trở lên để triển khai kích cầu đợt 2.

Ngoài ra, hiệp hội còn gợi ý các DN xây dựng tour mới, làm mới điểm "cũ" cũng như tạo điểm đến mới, đồng thời tăng cường truyền thông, tạo hình ảnh du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến "an toàn". Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xây dựng tiêu chí khu du lịch an toàn, cơ sở du lịch an toàn trước COVID-19. Theo các DN du lịch trên địa bàn, việc giảm giá sâu để kéo khách do đang vào mùa thấp điểm du lịch, học sinh đi học trở lại và diễn biến COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp. (ĐÔNG HÀ)


Đa số các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đều sẵn sàng cho kích cầu du lịch lần 2 - Ảnh: MINH CHIẾN
Đa số các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đều sẵn sàng cho kích cầu du lịch lần 2 - Ảnh: MINH CHIẾN

Khánh Hòa: hết giãn cách, kích cầu ngay

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết từ 0h ngày 5-9, Khánh Hòa được gỡ bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động dịch vụ du lịch được phép hoạt động trở lại. Cơ quan này cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phục hồi từng bước hoạt động du lịch sau dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Du lịch sẽ cùng các DN du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút khách. Xây dựng một số gói sản phẩm du lịch có lợi thế cao như: du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo), du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình, nhóm bạn, du lịch thể thao với dịch vụ golf... Du lịch Khánh Hòa sẽ tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VN (VITM Hà Nội 2020), dự kiến tổ chức giữa tháng 11-2020, kết hợp tổ chức chương trình quảng bá du lịch Khánh Hòa tại phố đi bộ Hà Nội, với chủ đề "Nha Trang biển gọi". Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ thí điểm "Phiên chợ du lịch online" với hình thức trao đổi trực tuyến giữa các công ty lữ hành quốc tế với DN cung ứng dịch vụ du lịch của Khánh Hòa.

"Thời gian qua, Khánh Hòa được chọn làm điểm cách ly trung chuyển cho các chuyên gia nước ngoài và đã thành công trong chương trình kích cầu du lịch địa phương "Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa" nên hệ thống cung ứng dịch vụ du lịch vẫn duy trì hoạt động. Đây là cơ sở để thu hút khách nội địa và nhóm du khách, chuyên gia nước ngoài đang có mặt ở VN, nhất là kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết dương lịch sắp đến" - bà Thanh hi vọng. (MINH CHIẾN)

TẤN LỰC - THÁI BÁ DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm