Bài toán du lịch an toàn dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do nghỉ lễ 2.9 năm nay chỉ có 1 ngày vào giữa tuần và diễn biến dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường du lịch khó có dấu hiệu khởi sắc, dù nhiều địa phương mong muốn kích cầu và triển khai các chương trình du lịch an toàn.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ngành du lịch trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyên Dũng
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ngành du lịch trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyên Dũng
Bà Rịa - Vũng Tàu kích cầu du lịch dịp 2.9 vừa phòng chống dịch
Ngày 26.8, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch giảm mạnh liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, chỉ bằng 40% lượng khách đến trong 3 tháng cùng kỳ năm 2019. Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mà tiếp tục bị tê liệt. Hầu hết các điểm du lịch hút khách trên địa bàn như bãi biển Bãi Sau, Bãi Trước (Vũng Tàu), Hồ Tràm, Hồ Cốc, bến thuyền Marina, huyện Côn Đảo… lượng khách đến ít, kể cả vào ngày nghỉ lễ.   
Ông Trần Bá Việt - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Vũng Tàu cho biết, trước thực trạng du khách giảm sút, dịp 2.9 nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tăng kích cầu du lịch, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn; nhắc nhở các hộ kinh doanh, du khách không tụ tập vui chơi, giải trí với mật độ quá đông người vào cùng 1 thời điểm; nghiêm cấm việc xả rác, ép giá, “chặt chém”, gian lận thương mại đối với du khách, niêm yết giá công khai tại các điểm trông giữ xe… Đặc biệt, việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đối với du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn là bắt buộc.
Công tác tăng cường liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân làm dịch vụ du lịch như xây dựng các chương trình khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ, giới thiệu sản phẩm mới đến du khách cũng được tỉnh chú trọng. 
Cũng theo ông Việt, căn cứ vào tình hình thực tế và nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm khôi phục thiệt hại vì dịch COVID-19, Phòng Văn hóa và Thông tin đã gửi công văn lên UBND thành phố và tỉnh này đề xuất tháo dỡ lệnh tạm dừng các hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện văn hóa - thể thao tập trung đông người, các lễ hội, lễ nghi tôn giáo, hội chợ, hội nghị, hội thảo, hội thảo chưa cấp thiết… theo quyết định số 7886/UBND-VP ngày 2.8.2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Để kích cầu du lịch và đảm bảo công tác phòng chống dịch, bên cạnh việc đề xuất cấp trên tháo dỡ lệnh đóng cửa, chúng tôi cũng đề xuất tiếp tục quản lý tốt người đến từ vùng dịch, người nước ngoài đến địa phương, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, không tụ tập trên 50 người và giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Khuyến cáo, nhắc nhở việc cài đặt và mở Bluezone trên điện thoại”, ông Việt nói.
Theo ông Đỗ Phước Trung - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để phát triển ngành du lịch trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đơn vị này đã có công văn gửi UBND tỉnh này về việc “xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp của ngành du lịch trong điều kiện tác động của dịch COVID-19”.  
Theo đó, Sở nêu ra 3 “tình huống ứng phó với diễn biến dịch bệnh trong tình hình mới”, cùng với đó là các chỉ tiêu, “doanh số ngành du lịch” và các giải pháp tương ứng được đưa ra như đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông, kích cầu, nâng cao, giới thiệu sản phẩm du lịch theo kế hoạch… Trên cơ sở “kịch bản tăng trưởng” và các giải pháp đồng bộ tương ứng được đưa ra, Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại bởi dịch COVID-19, đồng thời phát triển thị trường du lịch theo kế hoạch.
Hà Nội khuyến cáo nên tạm dừng các chương trình tham quan, du lịch
Dịp Quốc khánh  2.9, Sở Du lịch Hà Nội cũng gấp rút yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố cần thực hiện đúng quy định đã ban hành để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn ra.
Sở Du lịch Hà Nội đặc biệt đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19; Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi du lịch đến vùng có dịch.
Theo đó, các đơn vị chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách và người lao động như phun thuốc phòng chống dịch, trang bị khẩu trang, đặt dung dịch sát khuẩn tại nơi công cộng, phương tiện phục vụ khách du lịch.
Đối với các khu, điểm tham quan du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành để điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung đông người tại cùng một thời điểm. Tổ chức kiểm tra thân nhiệt cho du khách và nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nên nhanh chóng báo cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình.
Còn với các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trực tuyến khách lưu trú tại đơn vị và báo cáo hằng ngày với cơ quan chức năng để theo dõi. Sở Du lịch Hà Nội cũng khuyến cáo, trong dịp lễ 2.9, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nên tạm dừng tổ chức các chương trình tham quan, du lịch đến/đi liên quan các địa phương đang có dịch.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục du lịch nhìn nhận, các vấn đề liên quan đến du lịch an toàn, TCDL đã ban hành và gửi đến các địa phương trước đó Bộ tiêu chí du lịch an toàn. Dịp 2.9 năm nay nghỉ lễ chỉ 1 ngày, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc và có phương án phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho du khách và cộng đồng.  Ng.Dũng - M.Châu
Hà Nội: Các bến xe tăng cường vận tải, phòng dịch
Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành phương án số 2410/PA-TTS, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh (2.9). Sở GTVT yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp các đơn vị quản lý bến xe trên địa bàn kiểm tra điều kiện phương tiện, người lái, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên xe trước khi xuất bến. Với những trường hợp không đủ điều kiện theo quy định sẽ không cho phép rời bến.
Trao đổi với Lao Động, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, hằng ngày lượng khách xe ra vào bến Mỹ Đình khá lớn, khoảng 800 xe nên mỗi khi có xe ra vào đều sẽ có nhân viên kiểm tra xem các nhà xe có trang bị nước rửa tay trên xe hay không.
Theo kế hoạch, do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay sẽ chỉ có một ngày nghỉ. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi chơi, tham quan, du lịch của người dân. Do đó hiện các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch dự phòng xe, tăng cường hình thức bán vé phục vụ người dân. Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người. Phạm Đông
Vận tải hàng không không mặn mà tăng chuyến
Khác với mọi năm, dịp lễ Quốc khánh 2.9 năm nay các hãng hàng không Việt phải giảm mạnh tần suất và có từ 70 - 80% số lượng tàu bay phải nằm đất.
Quốc khánh 2.9 chỉ được nghỉ 1 ngày cùng với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến hành khách cũng ngại đi lại, nhất là đi lại vào những nơi đông người. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện các hãng bay giảm đến 80%. Vietnam Airlines hiện có 22/111 máy bay dừng bay, Jetstar Pacific là 4/15 máy bay dừng, VietJet nhiều nhất là 42/75 máy bay và Bamboo Airways cũng là 15/22 máy bay dừng hoạt động.
Cũng như hàng không, việc vận tải khách đường bộ cũng ảm đạm không kém. Theo ông Đỗ Văn Bằng - Chủ hãng xe Sao Việt chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa, vào thời điểm này những năm trước hãng phải tăng cường hết các xe dự bị của văn phòng, tăng chuyến, tăng lượt, tăng tần suất và tăng phục vụ… thì năm nay phần lớn “án binh bất động”. “Hiện đã sát ngày 2.9 nhưng hãng chưa nhận được bất kỳ hợp đồng vận chuyển khách du lịch nào. Trong khi đó lượng khách đi hằng ngày sụt giảm trên 80% và hãng đã phải giảm 50% số chuyến. Lỗ nặng nhưng hãng vẫn phải chạy để duy trì tuyến và phục vụ hành khách”, ông Bằng cho biết. Đặng Tiến
NGUYÊN DŨNG - MAI CHÂU (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/bai-toan-du-lich-an-toan-dip-nghi-le-quoc-khanh-29-831120.ldo

Có thể bạn quan tâm