Bình minh mũi Điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vẫn còn đó những tranh cãi quanh việc mũi Điện (còn gọi là mũi Đại Lãnh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) có phải là điểm cực Đông của Tổ quốc hay không, nhưng dù sao cảm giác được đón bình minh ở nơi này vẫn rất tuyệt.
Muốn đón ánh nắng đầu ngày giữa biển thì phải thức dậy từ rất sớm, đi qua những cung đường rợp bóng phi lao phủ xanh những cồn cát trắng chạy dài ven biển. Núi đá nhấp nhô xen lẫn những cây bụi lúp xúp. Núi chồm ra biển, sóng đánh vào núi làm vẹt mòn thành những hõm sâu. Chen giữa dãy núi ấy là vệt cát nhỏ làm thành bãi tắm mini, trên đó là những túp lều của các nhóm du khách. Trên cung đường xẻ núi để đi đến đây, có những đoạn núi lấn sát ra biển tạo ra những vực sâu nguy hiểm nhưng cực kỳ thú vị cho những ai thích cảm giác mạnh.
Đứng ngay tọa độ địa lý xác định chủ quyền lãnh thổ đất nước được gắn cột mốc số 0 với hình ảnh Quốc kỳ tung bay trước gió biển, chắc hẳn ai cũng mang cảm giác xúc động bồi hồi như tôi khi ấy. Cảnh sắc mây trời hữu tình, xa xa ngoài kia là thuyền bè tấp nập của ngư dân đang vươn khơi bám biển. Họ chọn việc chài lưới bởi biển đã gắn bó như máu thịt. Nơi ấy dù sóng gió phong ba nhưng luôn mang vẻ trữ tình, thi vị. Nơi ấy, sự hiện diện của họ góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Du khách chụp ảnh tại mũi Điện. Ảnh: T.N.Đ
Du khách chụp ảnh tại mũi Điện. Ảnh: T.N.Đ
Ngoài mốc tọa độ thì ở đây còn một điều thú vị khác. Chính ngọn hải đăng ở mũi Đại Lãnh đã cho vùng đất này một tên mới, là mũi Điện, tức mũi đất có đèn điện. Ngọn hải đăng này trở thành một trong 5 ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi nổi tiếng nhất Việt Nam. Nó được thiết kế cao 26 m sừng sững trên núi đá, nếu tính từ mặt biển nó cao tận 110 m, phạm vi chiếu sáng 24 hải lý. Hiện nay, để phục vụ du lịch, ngọn hải đăng đã mở cửa cho khách vào tham quan. Đường lên xoắn ốc và gió thổi ù ù với độ cao trên trăm mét không dành cho những người yếu tim, đặc biệt khi nhìn xuống dưới vùng biển sâu thăm thẳm với những con thuyền bé xíu. Cạnh ngọn hải đăng, du khách có thể lần theo đường xuống bãi Môn, một bãi tắm với vệt cát bé xíu nằm trong vịnh lặng gió.
Phú Yên được xem là vùng đất du lịch mới nổi vài năm gần đây, nhất là khi những cảnh sắc ngất trời nơi đây đã trở thành bối cảnh chính của bộ phim đình đám “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Những vực đá, hải đăng, đồi núi chồm ra biển dưới góc máy của các nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba hiện ra như một nàng tiên kiều diễm mới thức giấc. Vì mới nổi nên Phú Yên rất đỗi yên bình, người dân chân chất và dịch vụ khá rẻ.
Sau dịch Covid-19, Chính phủ phát động người dân đi du lịch nội địa để kích cầu nên du khách nhận được rất nhiều gói ưu đãi về lưu trú, khách sạn, dịch vụ ăn uống… Vậy nên, dù chưa chính thức bước vào hè nhưng Phú Yên cũng đã rộn ràng bước chân du khách. Vùng đất này không quá xa lạ với người dân Phố núi, nhưng lần trở lại này đã mang đến cho tôi một cảm giác khác lạ về cách làm du lịch. Đó là việc tận dụng nguồn lực tại chỗ, lấy sự thô mộc và chân thành để đối đãi với khách, xem họ như người trong nhà. Ừ thì người nhà sẽ dễ dàng quay lại thăm nhau những khi rảnh rỗi. Có lẽ đó cũng là một trong những cách làm hiệu quả hiện nay.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.