Phát triển du lịch từ di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau một thời gian chuẩn bị, “Tour du lịch cộng đồng làng Mơ Hra” (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chính thức ra mắt các doanh nghiệp du lịch cả nước. Sản phẩm du lịch này bước đầu đã tạo được ấn tượng khi đưa các giá trị đặc biệt của di sản văn hóa vào các dịch vụ để du khách có cơ hội được trải nghiệm, thưởng thức trong chính không gian di sản.    
Sản phẩm du lịch mới
Bóng dáng những ngôi nhà sàn thấp thoáng hai bên đường bê tông trải dài, núp dưới những lùm cây xanh um chầm chậm trôi qua cửa kính xe. Ngôi làng Bahnar nằm lọt thỏm giữa đại ngàn xanh thẳm như một nốt nhạc êm dịu. Nhà rông mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống Bahnar với phần mái lợp tranh, trầm thấp như một lời mời. Ngay khi bước vào bên trong, du khách bỗng phải ồ lên trầm trồ thích thú. Không gian như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những hiện vật từ cồng chiêng, đàn trưng cho đến các vật dụng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất... Tất cả như một chỉ dấu về văn hóa, giúp người thưởng lãm lập tức nhận diện bản sắc văn hóa của người Bahnar ở Đông Trường Sơn.
Du khách trải nghiệm nghề đan lát cùng nghệ nhân ở làng.   Ảnh: H.N
Du khách trải nghiệm nghề đan lát cùng nghệ nhân ở làng. Ảnh: H.N
Những sơn nữ thường ngày chỉ quen việc nương rẫy nay đã biết chào đón khách, tự hào giới thiệu đến du khách những giá trị của di sản thông qua các hiện vật. Dù chưa thuần thục trong lời ăn tiếng nói, dù vẫn còn những ngượng nghịu trong lần đầu làm công việc này, nhưng nụ cười cùng sự thân thiện, mộc mạc đã ghi điểm với đoàn du khách. Không chỉ có vậy, từ “nhà bảo tàng” này bước ra, xuôi theo con đường trải bê tông được quét dọn sạch sẽ, du khách có dịp trải nghiệm những nghề truyền thống dưới những mái nhà sàn ven đường. Ông Bơn-một người dân trong làng đang ngồi đan một chiếc gùi, thấy khách bước vào lập tức nở nụ cười chào đón. Ông tỉ mỉ hướng dẫn cho một nữ du khách trong đoàn từng động tác đan lát, đồng thời giới thiệu thêm về những vật dụng nhỏ xinh đang dần hoàn thiện dưới đôi bàn tay tài hoa của mình.
Dưới một nóc nhà khác, một nhóm phụ nữ ngồi bên khung dệt cùng những cuộn chỉ màu. Một nhóm khách đang mải mê trải nghiệm cách mà những người phụ nữ Bahnar tạo nên những tấm thổ cẩm, mỗi vị trí của sợi chỉ màu đều có ý nghĩa nhất định tạo nên hoa văn đặc trưng không thể trộn lẫn. Sản phẩm dệt của phụ nữ Bahnar Đông Trường Sơn vẫn được đánh giá là vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ. Điều đó càng được xác tín khi du khách có dịp trải nghiệm cách tạo ra chúng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Chị Đinh Thị Bao-chủ nhà-vui vẻ cho biết, sản phẩm dệt của phụ nữ làng Mơ Hra có độ bền, giữ nguyên vẹn màu sắc sau thời gian dài sử dụng vì sợi chỉ được nhuộm từ rễ, lá cây rừng. “Các sản phẩm làm ra không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho nhu cầu của gia đình mà được khách du lịch đến làng mua hết, đặc biệt là những chiếc ví cầm tay, chiếc túi đựng vừa điện thoại. Mình rất vui vì vừa giới thiệu được cho mọi người biết nghề truyền thống, lại vừa kiếm thêm thu nhập”-chị vui vẻ cho hay. Dưới một nóc nhà khác, du khách, nhất là các vị khách nữ thích thú với trải nghiệm làm các loại bánh từ nguyên liệu rất sẵn từ làng: củ mì. Những chiếc bánh làm từ củ mì như bánh nhân dừa gói lá chuối, bánh nhân đậu phộng hay bánh củ mì chiên đã khiến cho khách vừa no bụng, no mắt vừa hiểu thêm về một phong cách ẩm thực đậm chất núi rừng.
Sau các hoạt động trải nghiệm, đoàn du khách quây quần bên bữa ăn cùng ốc suối xào măng chua, lòng gà xào cà đắng, măng rừng luộc chấm muối ớt, gà nướng... Bên bữa ăn với các nguyên liệu từ tự nhiên, chếnh choáng trong men rượu cần, nhiều người còn mơ tưởng đến một lần được lội xuống dòng nước mát, tự tay bắt ốc bên suối, hái những đọt mây rừng. Ngủ một đêm bên bếp lửa nhà sàn, sương sớm chưa tan ra đã nghe tiếng chim hót vang lừng đánh thức. Một ngày bình yên sẽ khởi đầu như vậy, không vội vã.
Những gì du khách trải nghiệm tại làng Mơ Hra là kết quả của một quá trình dài ngôi làng này được các thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) bày cách làm du lịch dựa vào di sản và tài nguyên thiên nhiên hiện có. Đây là dự án do Hội đồng Anh tài trợ trong khuôn khổ chương trình toàn cầu về “Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều” đang được thử nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đến nay, làng Mơ Hra đã cơ bản đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch.
Kết nối tour “Đường Trường Sơn huyền thoại”
Trong chuyến famtrip “Đường Trường Sơn huyền thoại” của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nhằm khảo sát sản phẩm du lịch cộng đồng tại các điểm A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), Kon Kơ Tu (tỉnh Kon Tum), Kbang (tỉnh Gia Lai), gần 70 doanh nghiệp du lịch trong hệ thống VCTC đã có dịp tham gia tour thử nghiệm du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra. Tại hội thảo xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng tại Mơ Hra diễn ra sau hoạt động khảo sát, những đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp đã giúp dự án có cơ hội hoàn thiện sản phẩm này. Ông Phạm Hải Quỳnh-Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam-cho biết: “Đoàn famtrip đã đi qua nhiều địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng, mỗi vùng đất đều có bản sắc riêng để thu hút du khách. Chúng tôi thực sự ấn tượng với những yếu tố văn hóa bản địa ở làng Mơ Hra, chắc chắn đây sẽ là một điểm kết nối đặc sắc của tour “Đường Trường Sơn huyền thoại”, đồng thời kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch cộng đồng trên cả nước”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cũng có nhiều ý kiến đóng góp để Mơ Hra thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh như: làm nhà lưu trú cho khách (homestay), nhà vệ sinh, đồng thời có thêm các hoạt động trải nghiệm và tham gia vào cuộc sống lao động, sản xuất của người dân. Đặc biệt, các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống nên làm với các mô hình nhỏ, có giá trị sử dụng hơn là trang trí; ngoài ra cần đảm bảo các yếu tố an ninh, an toàn cho khách… Và trên hết, sản phẩm du lịch cộng đồng Mơ Hra phải không được tách rời với các giá trị truyền thống mà phải giữ nguyên bản sắc văn hóa, bảo tồn giá trị di sản… thì mới có khả năng khai thác du lịch một cách bền vững và mang lại nguồn thu tối ưu cho người dân địa phương.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...