Nhớ tô bún đỏ Ban Mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sài Gòn nhiều của ngon vật lạ nhưng trong tâm thức của một người con xa quê như tôi thì hương vị món bún đỏ của phố núi Buôn Ma Thuột vẫn chẳng thể phai mờ.

 

Những ngày đầu xa quê, tôi thèm bún đỏ đến mức nửa đêm bật tỉnh dậy, chỉ ước có một tô bún đỏ nghi ngút khói hiện ngay trước mặt để thỏa cơn thèm ăn. Tôi đã lên mạng xã hội “truy tìm tung tích” bún đỏ khắp nơi, hễ thấy ai mách ở địa chỉ này, quán nọ có món na ná bún đỏ là tôi lại đi ăn thử bằng được.

 Ảnh: T.N
Ảnh: T.N



Thế nhưng, dẫu đã đi nhiều ngóc ngách, hẻm Sài Gòn, tôi vẫn chưa thể tìm lại được mùi vị thân thuộc. Bởi lẽ có một điều là ở thành phố, nhiều người nhầm lẫn giữa bún đỏ và canh bún. Và hầu hết những quán bán bún đỏ mà tôi được bạn bè giới thiệu ở Sài Gòn đều là canh bún với cách nêm nếm và gia vị ăn kèm không giống bún đỏ.

Tôi mê bún đỏ đến mức ăn bún thay cơm. Ngày còn học THPT ở Buôn Ma Thuột (còn gọi Ban Mê Thuột), tôi với nhỏ bạn ghé gánh hàng bún đỏ của cô Thu đến mức quen mặt. Nhận ra khách quen, hôm thì cô ưu ái bỏ thêm vào tô bún vài miếng huyết, hôm lại là miếng chả cua béo ngậy. Hai đứa thích thú nhìn nhau, ngồi hì hụp ăn hết cả nước lẫn cái.

Ở phố núi Ban Mê, bún đỏ là món ăn bình dị và phổ biến như món hủ tiếu ở Sài Gòn. Chiều chiều, chỉ cần chạy xe dọc các con đường của thành phố, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những xe bún đỏ đậu bên lề đường nghi ngút khói.

Mùa này, phố núi Ban Mê đang vào mùa mưa. Những ngày mưa trời se lạnh, chẳng còn gì bằng việc ngồi trong túp lều dựng bằng tấm bạt ngay đầu góc phố Lê Duẩn của cô Thu nhâm nhi tô bún đỏ, khói phả lên nghi ngút, vừa ăn vừa phải cầm tô chuyển chỗ vì nước dột.

Giờ đây, ngồi tưởng tượng ra cảm giác húp một miếng nước dùng thơm phức, cắn miếng riêu cua béo ngậy, từng sợi bún dai nhảy múa trong miệng là lòng tôi chợt cười reo thích thú, còn bụng thì réo cồn cào, chỉ muốn bắt vội một chuyến xe đêm về với núi đồi, về thưởng thức một tô bún đỏ Ban Mê.

Thanh Nguyệt (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm