Trải nghiệm tàu điện ngầm ở Singapore

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến du lịch đến Singapore, tôi thật sự choáng ngợp trước những công trình kiến trúc đồ sộ nơi đây. Đặc biệt, khi nhắc đến phương tiện giao thông công cộng ở đảo quốc Sư tử thì không thể không kể đến tàu điện ngầm.
Để trải nghiệm một chuyến trên tàu điện ngầm, chúng tôi quyết định tách đoàn du lịch, bỏ ra một đêm để bước vào khu “mê cung” trong lòng đất. Từ khách sạn Ibis Bencoolen-nơi tôi lưu trú đến ga tàu điện ngầm Rochor chỉ mất 10 phút đi bộ. Từ xa đã nhìn thấy những bảng chỉ dẫn của hệ thống MRT (Mass Rapid Transport-mạng lưới giao thông công cộng cao tốc). Có 6 tuyến được đánh dấu bằng 6 màu khác nhau, cao thấp, chồng chéo nhau trong lòng đất. Mạng lưới này có chiều dài lên tới hơn 170 km, kết nối 102 trạm.
 Tàu điện ngầm ở Singapore. Ảnh: internet
Tàu điện ngầm ở Singapore. Ảnh: internet
Sau khi xem xét kỹ, chúng tôi lên kế hoạch chỉ đi một số trạm trung tâm. Bước vào cổng chính là một không gian choáng ngợp bởi siêu thị mua sắm hiện đại dưới lòng đất mở ra. Một cửa trạm gồm 8 cổng: 4 cổng vào và 4 cổng ra. Chúng tôi đang ngỡ ngàng chưa biết vào cổng bằng cách nào thì được 1 nhân viên hướng dẫn mua thẻ tiêu chuẩn (Standard Ticket) tại các máy bán vé tự động gần đó. Giá vé tàu điện ngầm dao động từ 0,8 SGD đến 1,8 SGD/chặng (trên 13.000 đồng đến trên 30.000 đồng/chặng). Màn hình cảm ứng sẽ hỏi hành khách chọn mua vé đến ga nào, sau đó yêu cầu đút tiền xu hoặc tiền giấy tương ứng vào máy. Sau đó máy sẽ phát hành một tấm thẻ từ, giống như card điện thoại gọi là MRT EZ-Link. Khi dùng nó để đi qua cửa kiểm soát ở các ga, hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong thẻ. Khách cũng có thể mua thẻ Tourist Pass với giá 20 SGD (gần 350 ngàn đồng) để đi không giới hạn trong ngày.
Qua cửa kiểm soát tự động, xuống thang máy với tốc độ cao hơn thang máy trên mặt đất 50% là đến cửa tàu điện. Một không gian thoáng rộng, mát mẻ, nhiều màu sắc và âm thanh hiện ra. Đèn điện sáng choang, người người đi lại như mắc cửi. Lúc này mới khoảng 20 giờ-thời điểm người dân Singapore sử dụng tàu điện ngầm nhiều nhất.
Sau khi đã xác định điểm đến nhờ vào tên trạm trên mỗi cửa tàu điện, chúng tôi chờ đợi không quá 2 phút thì thấy cánh cửa tàu điện mở ra. Khi chúng tôi bước lên tàu, mọi người đều đã có chỗ ngồi. Bỗng nhiên có 2 cô gái người Singapore tự động đứng dậy, ngoắc tay vợ chồng tôi và chỉ vào ghế mời ngồi (có lẽ họ thấy chúng tôi là người lớn tuổi nên nhường chỗ. Thật ấm lòng!). Tàu bắt đầu chạy. Những chiếc đèn đường lướt qua cửa sổ chầm chậm, sau đó nhanh dần rồi hòa thành một vệt sáng do tàu chạy với tốc độ cực cao, khoảng 350 km/giờ.
Sau khi đi qua 3 trạm và đổi 2 tuyến tàu để trải nghiệm, nhìn đồng hồ thì thấy đã là 23 giờ 30 phút, chúng tôi quyết định trở lại khách sạn. Dù đã có một số trải nghiệm nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp. Các tầng hầm luôn có rất đông người lên xuống, lúc bằng thang cuốn, khi thì đi bộ, quẹo phải, rẽ trái nhiều lần, di chuyển không ngừng. Chính vì vậy, các gia đình đi chung nếu không bám nhau sẽ bị lạc giữa “mê cung dưới mặt đất” này. Tại mỗi trạm, hành khách đều phải qua các cửa kiểm soát thẻ. Đặc biệt, muốn dừng nghỉ chân thì phải tìm đến những hàng quán nước giải khát hoặc quầy phục vụ ăn uống. Nếu bị phát hiện ăn vặt, uống nước trên đường đi, hút thuốc hoặc ngồi bệt xuống hành lang tàu điện, người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, tối thiểu khoảng 250 SGD (gần 5 triệu đồng).
Bước lên khỏi đường hầm, đường sá vắng teo. Các trạm taxi không còn khách vãng lai. Cậu con rút điện thoại xác định quãng đường đến khách sạn. Không biết nó chọn trạm về kiểu gì mà Google báo 3,5 km. Tôi giật mình, bởi cả ngày trời theo đoàn cũng đã rũ chân rồi. Nhưng thôi, dù gì cũng phải ráng mà về nhà. Xung quanh cửa hầm, kể cả trên đường đi, tôi thấy rất nhiều xe đạp dựng bên lề. Tôi hỏi cậu con: “Xe đạp của ai dựng nhiều mà lại không thấy người đi?”. Cậu chàng đáp: “Con cũng không biết”. Sáng hôm sau, khi tôi đem thắc mắc trên ra hỏi hướng dẫn viên, vị này liền bảo: “Sao chú không lấy xe đạp mà đi? Xe đó cũng là xe công cộng, dùng được thẻ quẹt MRT EZ-Link mà”. Trời đất!
Tìm hiểu thêm thì được biết, ở Singapore đa số người dân đều dùng tàu điện ngầm MRT làm phương tiện đi lại chính. Hệ thống vận chuyển công cộng này có phạm vi hoạt động rộng và tính hiệu quả cao với gần 150 chuyến tàu điện mỗi ngày. Chính vì chi phí hợp lý nên hàng ngày có tới 2 triệu lượt khách sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm này với tần suất 3-8 phút/chuyến.
“Trông người mà ngẫm đến ta”. Hy vọng rằng dự án thi công các tuyến tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn trong cả nước sẽ sớm hoàn thành. Khi đó, loại hình vận tải công cộng siêu nhanh này sẽ thay thế một phần lượng xe gắn máy, xe con, chấm dứt nạn kẹt xe kinh niên từ bao năm qua.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.