Đèo Khánh Lê vừa mê vừa sợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nối 2 thành phố du lịch Nha Trang - Đà Lạt, đèo Khánh Lê với cung đường cao vút, uốn lượn mờ ảo trong sương mù hút hồn du khách nhưng cũng khiến không ít tài xế lo lắng.
Đèo Khánh Lê mang nhiều tên gọi: Đèo Bi Doup (tên đỉnh núi Bi Doup cao 2.287 m của cao nguyên Lang Biang) hay đèo Hòn Giao (tên dãy núi Hòn Giao nằm ở phía Bắc con đèo). Đèo nối huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).
 Đèo Khánh Lê hút hồn du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ, mờ ảo trong làn sương mù
Đèo Khánh Lê hút hồn du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ, mờ ảo trong làn sương mù
Với chiều dài 33 km theo hướng Đông - Tây, đèo Khánh Lê chia 2 vùng khí hậu rõ rệt. Phía sườn Đông con đèo thuộc tỉnh Khánh Hòa, mang đậm khí hậu nhiệt đới với gió biển. Đến giữa đèo có sự pha trộn giữa gió biển và gió núi lành lạnh đặc trưng từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng). Qua đỉnh đèo không khí trở nên mát lạnh. Có dịp đi xe máy qua đèo dù là hướng từ Nha Trang lên Đà Lạt hay ngược lại, du khách đều cảm nhận được sự độc đáo, thú vị này.
Lên khu vực giữa đèo, du khách sẽ có cảm nhận không gian núi rừng hùng vĩ mở ra ở 2 bên đèo, những thác nước trắng xóa đổ xuống con đường quanh co uốn lượn và cái lạnh thấm qua từng thớ vải. Du khách sẽ được hít thở bầu không khí thật trong lành của núi rừng. Đặc biệt, nếu qua đèo vào buổi chiều hoặc sáng sớm, du khách như lạc vào xứ sở thần tiên với những làn mây mỏng trôi bảng lảng trên sườn núi, càng lên đỉnh đèo, sương mù càng dày đặc. Xe phải mở đèn pha để tránh va chạm. Đứng trên đỉnh đèo, du khách sẽ chứng kiến cảnh mây trôi lúc mờ lúc tỏ ngay trước mắt như một trải nghiệm đặc biệt khó quên. Nếu đi từ hướng Đà Lạt xuống Nha Trang, qua khỏi làn sương mờ, đổ xuống chân đèo, du khách sẽ đón những cơn gió biển ấm áp, xua đi giá lạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên, nguy hiểm cũng luôn rình rập. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại tuyến đèo này do đường ngoằn ngoèo, gấp khúc. Tài xế phải thật tập trung mới chinh phục con đèo này an toàn. Lượng mưa ở đây khá lớn nên đoạn đường này hay bị sạt lở. Vào mùa mưa, đường đèo thường hứng chịu hàng ngàn tấn đất đá đổ xuống làm giao thông tê liệt. Mùa mưa năm 2018 tại tuyến đèo này đã xảy ra hơn 10 điểm sạt lở. Khi có mưa lớn, du khách không nên qua đèo nếu không thật sự cần thiết.
Kỳ Nam (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm