Kỳ bí hang Tối Trời ở Tây Sơn Thượng Đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuôi theo quốc lộ 19 đến đầu đèo An Khê nhìn về hướng Đông Bắc chúng ta sẽ thấy 2 ngọn núi hùng vĩ mang tên Ông Bình và Ông Nhạc. Đây một thời là mật khu của nhà Tây Sơn trong cuộc khởi nghĩa nông dân đã đi vào lịch sử. Đặc biệt, tại núi Ông Bình có một hang đá ăn sâu vào lòng núi. Xung quanh hang rất nhiều cây rừng bao phủ, ở xa không thể nhìn thấy miệng hang nên có tên gọi là hang Tối Trời.
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, vì trót mê mẩn tác phẩm “Nước non Bình Định” của nhà văn Quách Tấn nên vào một buổi sáng, tôi cùng nhóm bạn ở thôn An Thượng (xã Song An, thị xã An Khê) lội rừng tìm đến hang này qua sự chỉ dẫn của một người bạn. Muốn đến nơi này chỉ có cách len theo đường mòn của người đi rừng. Sau hàng giờ vất vả luồn rừng, cuối cùng trước mắt chúng tôi cũng đã xuất hiện cái hang rộng khoảng 2 sải tay. Nhìn vào bên trong thấy tối om do xung quanh cây lá che phủ miệng hang. Chúng tôi đốt đuốc chui vào khoảng 20 m thì dừng lại. Theo quan sát, hang có độ xuôi dốc vào lòng núi, càng vào trong lòng hang càng mở ra lớn hơn. Vách hang dựng đứng, những lớp đá chồng chất lên nhau thiên hình vạn trạng. Một bên là khe nước chảy, trên vách đá rơi những giọt nước tí tách vào giữa lòng khe. Không khí lạnh lẽo từ trong hang tỏa ra như một lời thách thức. Chúng tôi đành quay trở ra.
  Lối vào hàng Tối Trời.  Ảnh: Lê Văn An
Lối vào hàng Tối Trời. Ảnh: Lê Văn An
Tương truyền, thời nhà Tây Sơn tụ nghĩa, để chuẩn bị cho cuộc trường chinh, nơi này đã được chọn là mật khu vững chắc, cũng là nơi cất giấu binh khí. Sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, Mai Xuân Thưởng cùng bộ hạ cũng đã đến nơi này ẩn náu. Chúng tôi có nghe kể lại rằng khi xưa có đoàn người đốt đuốc đi vào hang thám hiểm. Họ đi từ sáng sớm cho đến 3 giờ chiều vẫn chưa hết lòng hang. Cá trong khe khi thấy ánh đuốc đã xúm lại không hề biết sợ. Nơi này cũng ăn thông nhau với vực Trầm Hương. Khi bỏ một quả bưởi xuống lòng hang, mấy ngày sau đã thấy nó xuất hiện ở vực Trầm Hương nằm trên dòng sông Ba.
Nếu so với các điểm du lịch hang động trong nước như hang Âm Phủ của Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), động Hương Tích (Hà Nội) thì hang Tối Trời cũng xứng đáng là một điểm đến lý thú đối với khách du lịch bởi sự huyền bí cũng như những huyền thoại gắn liền với thời kỳ gây dựng cơ đồ của Tây Sơn Tam kiệt. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê-cho biết: Hang Tối Trời là một trong 18 điểm di tích thuộc quần thể Tây Sơn Thượng đạo. Năm 1976, đoàn nghiên cứu của cố Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã đến khảo sát nhưng chưa đầy đủ. Từ năm 1991 đến 2015, thị xã An Khê cũng nhiều lần tổ chức các chuyến khảo sát lại nhưng chưa xuống được tận đáy do còn nhiều hạn chế về con người và dụng cụ chuyên dụng. “Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát kỹ hơn về hang Tối Trời với mục tiêu đưa điểm di tích này trở thành một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách”-bà Lịch nói.
Nếu ý tưởng trên trở thành hiện thực thì hang Tối Trời sẽ là một điểm du lịch sinh thái đầy sức hút với hành trình vừa khám phá hang động nguyên sơ, nhiều huyền tích, vừa quay về với không khí hào hùng của một thời Tây Sơn tụ nghĩa. Như vậy thì còn gì bằng?
Lê Văn An

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...