Gia Lai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý “trọng nam khinh nữ” nên cố sinh con trai để nối dõi tông đường. Điều này dẫn đến hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra ở nhiều nơi. Để ngăn chặn tình trạng này, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời giải quyết tốt công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới
Hiện nay, việc mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn, từ đó làm tan vỡ cấu trúc gia đình. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng như nhiều phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng; tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao… Mục tiêu của Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa trở lại mức cân bằng tự nhiên là 106,2 nam/100 nữ.     
Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-cho biết: Sau 3 năm triển khai đề án, TSGTKS năm 2020 của tỉnh giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2017 và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về cơ bản, TSGTKS của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dao động ở mức 105-109 nam/100 nữ; có sự tăng, giảm không đồng đều qua các năm. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu khống chế thành công tốc độ gia tăng TSGTKS; đưa về mức cân bằng 103-105 nam/100 nữ.
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân không lựa chọn giới tính khi sinh. Ảnh: Như Ý
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân không lựa chọn giới tính khi sinh. Ảnh: Như Ý
Theo ông Lê Ngọc Lân, để đạt được mục tiêu đề ra thì cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và sự chung sức của cộng đồng. Trong đó, giải pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động xóa tan tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và nâng cao vị thế người phụ nữ. Công tác tuyên truyền thực hiện đồng bộ góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của người dân, giảm thiểu tình trạng chọn lựa giới tính khi sinh, từ đó sẽ giảm mất cân bằng giới tính, đưa TSGTKS về mức cân bằng.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, những năm qua, huyện Chư Sê đã tích cực triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bà Nguyễn Thị Giang-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) thông tin: Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình nói chung và giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đề án triển khai tại 15/15 xã, thị trấn với một loạt các giải pháp tích cực, lâu dài nhằm hướng tới mục tiêu giảm mạnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Công tác truyền thông tập trung vào các đối tượng có 2 con gái, đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động không sinh thêm, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, TSGTKS trên địa bàn huyện Chư Sê đã giảm rõ rệt. “Cụ thể: TSGTKS năm 2017 là 109 nam/100 nữ thì đến năm 2020 giảm còn 106 nam/100 nữ. Tuy vậy, tỷ số này vẫn không đồng đều ở các vùng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thực hiện tốt chính sách dân số, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”-bà Giang cho hay.
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đến người dân. Ảnh Như Ý
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đến người dân. Ảnh: Như Ý
Tại huyện Đak Pơ, theo bà Trần Thị Mỹ Long-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện): Công tác tuyên truyền có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Tuyên truyền đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và gia đình về việc không nên đặt nặng vấn đề có người nối dõi tông đường, cũng như việc chọn lựa giới tính khi sinh. Nhờ đó, huyện Đak Pơ trước đây có TSGTKS rất cao với khoảng 118 nam/100 nữ thì đến năm 2020 đã giảm còn 107 nam/100 nữ.
Để khống chế thành công tốc độ gia tăng TSGTKS, theo ông Lê Ngọc Lân nhấn mạnh, tuyên truyền tiếp tục là giải pháp then chốt. Trong đó, đa dạng phương pháp, hình thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng từ đó góp phần thay đổi nhận thức giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.