Chuyên gia nói về 9 loại xét nghiệm đàn ông nào cũng cần làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại sao xét nghiệm tầm soát bệnh lại quan trọng? Bởi vì sàng lọc phát hiện bệnh sớm, trước khi có triệu chứng, sẽ dễ điều trị hơn nhiều.
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Nếu được phát hiện sớm, ung thư ruột có thể được ngăn chặn ngay từ đầu.
Phát hiện sớm bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng như mất thị lực và bất lực.
Tùy theo tuổi tác và các yếu tố rủi ro mà nam giới cần thực hiện các xét nghiệm sau, theo Web MD.
1. Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau ung thư da. Đây là loại ung thư có xu hướng phát triển chậm, nhưng cũng có những loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhanh và dữ dội.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên: Nam giới nên trao đổi với bác sĩ về xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 50 nếu có nguy cơ trung bình, và tuổi 40 nếu có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt cao, theo Web MD.
2. Ung thư tinh hoàn
Hầu hết các trường hợp ung thư tinh hoàn xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 54. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo tất cả nam giới nên khám tinh hoàn khi khám sức khỏe định kỳ.
Những người có nguy cơ cao hơn, như tiền sử gia đình hoặc tinh hoàn ẩn, nên tăng cường kiểm tra. Một số bác sĩ khuyên nên thường xuyên tự kiểm tra, các cục cứng, vết sưng trơn hoặc thay đổi kích thước hoặc hình dạng ở tinh hoàn.
3. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến thứ hai gây tử vong. Nam giới có nguy cơ phát bệnh cao hơn so với phụ nữ. Phần lớn ung thư ruột phát triển chậm từ polyp đại tràng. Cách để ngăn ngừa ung thư ruột là tìm và loại bỏ polyp trước khi biến thành ung thư, theo Web MD.
Bắt đầu kiểm tra sàng lọc ở tuổi 50 đối với người có nguy cơ trung bình. Nội soi đại tràng để phát hiện polyp và ung thư đại trực tràng.
4. Ung thư da
Ung thư hắc tố là dạng ung thư da nguy hiểm nhất. Nam giới lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao gấp đôi so với phụ nữ.
Hiệp hội Ung thư Mỹ và Học viện Da liễu Mỹ khuyên nên tự kiểm tra da thường xuyên để kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi nào về hình dạng, màu sắc và kích thước trên da.
5. Huyết áp cao
Nguy cơ cao huyết áp tăng theo tuổi. Huyết áp cao nếu được kiểm soát tốt, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và suy thận. Vì vậy, cần phải biết được chỉ số huyết áp của mình, theo Web MD.
Huyết áp bình thường dưới 120/80. Huyết áp cao là 130/80 trở lên.
6. Mức cholesterol
Nồng độ cholesterol xấu trong máu cao khiến mảng bám tích tụ trong thành động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Bắt đầu từ tuổi 20, nam giới nên được kiểm tra mỡ máu nếu có nguy cơ mắc bệnh tim. Bắt đầu từ 35, nam giới cần xét nghiệm cholesterol thường xuyên.
7. Bệnh tiểu đường loại 2
Có đến 1/3 bệnh nhân tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nếu được phát hiện sớm, bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát và có thể tránh được các biến chứng.
Người trưởng thành khỏe mạnh nên làm xét nghiệm 3 năm một lần bắt đầu ở tuổi 45. Nếu có nguy cơ cao hơn, như cholesterol cao hoặc huyết áp, có thể bắt đầu xét nghiệm sớm hơn và thường xuyên hơn, theo Web MD.
8. Xét nghiệm HIV
Người nhiễm HIV có thể vẫn không có triệu chứng trong nhiều năm. Cách duy nhất là xét nghiệm máu. Nếu có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV, hãy hỏi bác sĩ về các xét nghiệm.
Hầu hết mọi người phải 2 tháng sau khi nhiễm bệnh mới cho kết quả dương tính. Nhưng có tới 5% vẫn âm tính sau 6 tháng.
9. Bệnh tăng nhãn áp
Bệnh này dần dần làm hỏng dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa - và mất thị lực không hồi phục, có thể xảy ra trước khi bệnh nhân nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Kiểm tra mắt cho bệnh tăng nhãn áp dựa trên tuổi và nguy cơ cá nhân:
Dưới 40 tuổi: Mỗi 2 - 4 năm một lần
40 - 54: Mỗi 1 - 3 năm một lần
55 - 64: Mỗi 1 - 2 năm một lần
65 lên: Mỗi 6 - 12 tháng một lần
Nói chuyện với bác sĩ về việc sàng lọc sớm hơn, thường xuyên hơn nếu có nguy cơ cao, như có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp, từng bị chấn thương mắt hoặc sử dụng thuốc có chứa steroid, như Polydexa, Chlorocid-H, mỡ tra mắt Hydrocortison… Các thuốc này có thể gây tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể… Dùng các thuốc này, người sử dụng sẽ có cảm giác dễ chịu, mắt sáng ra, nhưng nếu dùng kéo dài, mắt sẽ mờ dần, theo Web MD.
Thiên Lan (thanhnien/Theo Web MD)

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.