Bác sĩ ơi: Khi nào cần cắt bao quy đầu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con trai tôi 6 tuổi. Có nhiều phụ huynh đã cho con đi cắt bao quy đầu ở tuổi này và khuyên tôi thực hiện cho bé để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm, giảm các nguy cơ bệnh liên quan đến “vùng kín” khi trẻ trưởng thành.

 Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock




Xin bác sĩ tư vấn giúp việc cắt bao quy đầu cho trẻ có cần thiết không? Khi nào cần cắt bao quy đầu? Thái Minh Thu (35 tuổi, ngụ Bến Tre)

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Trung Trực, Khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM:

Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu. Bao quy đầu là phần da phủ lên quy đầu dương vật. Phần da này có tác dụng che chở bảo vệ quy đầu tránh những cảm giác “khó chịu” trong sinh hoạt hằng ngày.

Hầu hết bé trai sơ sinh có tình trạng dính da quy đầu sinh lý, đây là hiện tượng bình thường. Theo thời gian đến tuổi dậy thì, bao quy đầu tự tách rời khỏi quy đầu và tuột ra được. Chỉ có khoảng 1% nam giới trưởng thành bị hẹp bao quy đầu.

Vì vậy, chỉ cần can thiệp cắt bao quy đầu khi: đến độ tuổi dậy thì mà bao quy đầu vẫn chưa tự tụt xuống, hẹp khít da quy đầu, dính da quy đầu, bị viêm nhiễm da quy đầu và quy đầu, vòng thắt và phù nề da quy đầu, cắt thẩm mỹ do da quy đầu dài.

Khi đó, cắt bao quy đầu sẽ giúp vệ sinh dễ dàng hơn, giảm nguy cơ viêm nhiễm, giảm nguy cơ ung thư dương vật.

Khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng vùng da nhạy cảm này. Khi trẻ có thể tự chăm sóc, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, khi tắm cần kéo da quy đầu để rửa với xà bông, rửa lại bằng nước sạch và lau khô, sau đó nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho quy đầu.

Khi da quy đầu hẹp rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật nếu cần thiết.

Phẫu thuật cắt da quy đầu là phẫu thuật tuy đơn giản nhưng lại là vấn đề nhạy cảm với một số người. Nhiều người do ngại ngùng xấu hổ mà không đến khám tại các trung tâm uy tín, dẫn đến tư vấn phẫu thuật không đúng chỉ định, thực hiện phẫu thuật trong môi trường không đảm bảo vệ sinh và không đủ chuyên môn, có thể gây tai biến hoặc lây nhiễm bệnh.

Sau khi được thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu, bệnh nhân cần lưu ý: thay băng, chăm sóc vết thương mỗi ngày, mặc quần rộng rãi, vết cắt da quy đầu sẽ lành sau 7 - 10 ngày.

Thông thường, sau cắt bao quy đầu từ 2 - 3 tuần, mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, đây là vùng kín, nhạy cảm, các tổ chức dưới da lỏng lẻo nên nếu chăm sóc không tốt, dễ gây viêm nhiễm, phù nề, vết thương chậm lành. Do đó, bệnh nhân nên tái khám theo lịch hẹn và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Biến chứng thường gặp là chảy máu, nhiễm trùng, ngắn dây thắng hoặc thiếu da dương vật.

 

Nguyên Mi (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.