Gia Lai: Giảm thiểu tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó có công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Mẹ không điều trị dự phòng lây truyền, con nhiễm HIV
Định kỳ hàng tháng, bé A lại cùng mẹ đến Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để nhận thuốc ARV-thuốc ức chế sự phát triển của vi rút HIV. A là một trong những trẻ kém may mắn khi mẹ em bị nhiễm HIV mà không biết để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bác sĩ Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới-cho biết: Trong số 296 bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc ARV hàng tháng tại đây có 2 người đang mang thai và 20 trẻ em dưới 16 tuổi. Số trẻ này đều nhiễm HIV từ mẹ. Nguyên nhân là người mẹ khi mang thai không tầm soát HIV sớm và không dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
  Công tác  truyền thông được đẩy mạnh trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: N.N
Công tác truyền thông được đẩy mạnh trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: N.N
Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới thông tin, sự ra đời và mở rộng điều trị thuốc kháng vi rút ARV đã mở ra cơ hội lớn cho không chỉ người nhiễm HIV mà còn với cả cộng đồng xã hội. Điều trị ARV sớm có thể giúp người nhiễm HIV có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV; giúp giảm lây truyền bệnh và khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ không lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV thì sẽ có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Tại tỉnh ta, những năm gần đây, đa số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đã được điều trị ARV đều hoàn toàn khỏe mạnh. Việc chủ động tầm soát HIV là việc làm cần thiết đối với mỗi người, đặc biệt với phụ nữ mang thai. qua đó, nếu phát hiện HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì sẽ giúp tăng cơ hội sinh ra con khỏe mạnh, không nhiễm HIV.
Đẩy mạnh truyền thông
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, số người nhiễm HIV/AIDS tại Gia Lai là 1.105 người, trong đó có 394 người chuyển sang AIDS và 252 người tử vong vì AIDS; số phụ nữ mang thai nhiễm HIV chiếm 1,7% số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn tỉnh. Những phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng theo quy định, qua đó giúp giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tỉnh xuống dưới 3%.
Ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-cho biết: Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 triển khai trên địa bàn tỉnh từ ngày 1 đến 30-6 với chủ đề “Mẹ không có HIV-Con không nhiễm HIV”. Tháng cao điểm nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” trong chiến lược quốc gia phòng-chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tháng cao điểm cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV, trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con sớm. Đồng thời, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Ngoài ra, Tháng cao điểm sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai; đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế (hoặc dưới ngưỡng phát hiện) đảm bảo giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay, Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang thực hiện việc chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản đều đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm ngay từ đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai; tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV. “Khó khăn hiện nay là nhiều phụ nữ mang thai không biết tình trạng nhiễm HIV của mình và cũng không chủ động trong việc xét nghiệm HIV dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh cho con. Mặt khác, nhiều người sợ bị kỳ thị nên giấu bệnh, khó tiếp cận; nhiều đối tượng HIV/AIDS mất dấu không quản lý được là một trong những khó khăn trong công tác phòng HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay”-ông Phong cho biết thêm.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.