Dòi bò lúc nhúc trong khối bướu ung thư của bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh nhân bị ung thư nhưng không đi khám ở bệnh viện mà tự điều trị bằng cách đắp lá thuốc. Khối bướu ngày càng lớn, nhiễm trùng, thậm chí có… dòi lúc nhúc, khiến bác sĩ lâu năm cũng sốc.
 Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân
Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân
Hôm qua (21.6), bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết: Bệnh nhân (60 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến khám trong tình trạng dáng gầy gò, xanh xao; bị một khối bướu to, sùi như bông cải, đen, thối rửa, đang chảy dịch mủ và máu phủ trùm vùng kín của bệnh nhân.
“Sang thương sùi lấp kín hoàn toàn âm hộ, ăn lan xuống cơ vòng hậu môn, lên nếp bẹn và hai khối hạch bẹn hai bên sưng to lở loét, đường kính trên 5 cm. Thậm chí, có cả… dòi lúc nhúc bò trong khối bướu, khiến các bác sĩ khám đều sốc!”, bác sĩ Tiến cho biết.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư âm hộ.
Bệnh nhân cho biết, khi phát hiện bệnh, khối u lớn bằng trái chanh, nghe mách truyền miệng, bà có đi điều trị bằng… lá thuốc đắp vào. Sau đó, bướu càng ngày càng lớn và tiến triển nặng.
Theo bác sĩ Tiến, với tình trạng trên, rất khó để phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không phẫu thì bệnh nhân sẽ tử vong do nhiễm trùng. Cuối cùng, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ cho bệnh nhân.
Phẫu thuật thành công nhưng vì khối bướu và nhiễm trùng lan rộng nên bệnh nhân phải bị cắt bỏ diện tích lớn, tạo hình ghép da che lấp nhiều lổ hổng nhưng vẫn không khép kín da được.
Bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu hơn hai tháng mới liền da và tiếp tục điều trị hoá - xạ.
Phụ nữ cần biết về ung thư âm hộ
Bác sĩ Tiến cho biết, ung thư âm hộ được các bác sĩ ghi nhận số ca đến khám và điều trị ngày càng gia tăng. Trước đây, Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 1-2 ca ung thư âm hộ mỗi tuần nhưng thời gian gần đây, mỗi tuần khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca.
Theo bác sĩ Tiến: Ung thư âm hộ là một bệnh lý ung thư có mức độ ác tính thấp nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Nó thường chỉ diễn tiến tại chỗ và ít khi di căn xa. Trong giai đoạn sớm, việc điều trị rất đơn giản, chỉ cần phẫu thuật cắt rộng hoặc cắt âm hộ đơn giản là đủ.
Tuy nhiên, nếu giai đoạn trễ, bướu xâm lấn các cơ quan xung quanh như âm đạo, lổ tiểu hay cơ vòng hậu môn… thì việc điều trị rất khó khăn, phức tạp. Phẫu thuật đòi hỏi phải cắt thật rộng để lấy hết bướu nên nhiều khi phải mở đường đi tiêu tiểu trên bụng suốt đời cho bệnh nhân; tạo hình lại âm hộ.
“Bệnh thường gặp ở những người phụ nữ lớn tuổi, có trình độ học thức thấp, ít có điều kiện đi khám sức khỏe, cho nên dễ mắc sai lầm trong điều trị. Có nhiều bệnh nhân ngại, mắc cỡ không dám nói, không dám đi khám, tự ý mua thuốc về thoa hay đắp lá cây làm sang thương bùng phát dữ dội, nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí nhiễm trùng lâu ngày đến nổi có.. dòi trong bướu”, bác sĩ Tiến nhận định.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần lưu ý, bất kỳ một vết loét nào trên cơ thể mình nếu chưa xác định bệnh thì không nên đắp bất cứ lá gì lên. Nếu là ung thư thì sẽ bùng phát dữ dội và nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng.
Thêm nữa, phụ nữ có những viêm nhiễm hay vết loét ở vùng âm hộ, dù đã được điều trị theo phương pháp thông thường tại các bệnh viện đa khoa hay da liễu (xài thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi… do bác sĩ chỉ định) mà vẫn không khỏi, chị em nên đi khám chuyên khoa ung bướu để phát hiện sớm bệnh. 
Nguyên Mi (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.