Thanh niên bị cắt "của quý" vì đắp thuốc nam "vùng kín"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nam thanh niên gần 30 tuổi ở Sơn La đã buộc phải cắt bỏ toàn bộ dương vật vì ung thư. Đáng nói, trước đó bệnh nhân này có đắp thuốc nam chữa bệnh cho “của quý”.

Phần lớn bệnh nhân ung thư dương vật nhập viện trong tình trạng muộn
Phần lớn bệnh nhân ung thư dương vật nhập viện trong tình trạng muộn



Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa buộc phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dương vật của một thanh niên gần 30 tuổi sau khi chẩn đoán anh này bị ung thư dương vật giai đoạn muộn. Bệnh nhân cho biết cách đây hơn 1 năm, vùng bẹn nổi hạch rồi lớn dần, vùng bìu đau, viêm loét, xuất hiện nốt sùi và "có mùi". Bệnh nhân có tìm hiểu và biết mình bị hẹp bao quy đầu.

Vì e ngại, sợ dị nghị nên thanh niên này ở nhà đã tìm kiếm và đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian đắp thuốc, tình trạng viêm loét càng lan rộng, vùng kín của bệnh nhân đau nhiều. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện hạch đã lan ra ngoài da, ăn vào mạch máu, gây chảy máu.

Bệnh nhân buộc phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ dương vật để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Theo các bác sĩ, sau một thời gian, bệnh nhân đã được tạo hình lại "của quý" bằng chính vạt da đùi để đảm bảo phần nào chức năng sinh lý do bệnh nhân.

Bệnh viện Da liễu Trung ương sau đó lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam 46 tuổi cũng được chẩn đoán ung thư dương vật. May mắn, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm, được chỉ định phẫu thuật vét hạch và vẫn bảo tồn được toàn bộ "của quý".

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết phần lớn bệnh nhân ung thư dương vật đều chủ quan, trải qua thời gian dài tự điều trị không đỡ mới đến viện. Vì vậy, khi đến bệnh viện, ung thư đã ở giai đoạn muộn, thậm chí di căn khiến bệnh nhân phải cắt bỏ dương vật, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, thể chất của người bệnh.

Theo giới chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư dương vật, tuy nhiên phần lớn bệnh gặp ở bệnh nhân có hẹp bao quy đầu. Đây không phải nguyên nhân gây ung thư trực tiếp nhưng tạo điều kiện viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Viêm kéo dài nhiều năm có thể diễn tiến thành ung thư.

Các bác sĩ cho biết một số dấu hiệu nguy cơ để nghĩ đến ung thư dương vật đó là có tình trạng viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu; bỗng dưng sờ thấy cục ở ngay dưới quy đầu, chạm vào có thể gây chảy máu, hoặc có nốt sùi nhỏ, loét ở vùng quy đầu, dễ chảy máu khi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục... Những dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên nếu "vùng kín" có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa.

Việc điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn sớm, sang thương (vết thương phần mềm) nhỏ, chủ yếu ở bao quy đầu thì có thể được cắt rộng và bảo tồn được dương vật mà chi phí điều trị ung thư dương vật thấp. Còn ở giai đoạn muộn, khi có di căn hạch bẹn bắt buộc phải xạ trị, chi phí sẽ tốn kém hơn nhiều, chưa kể ảnh hưởng đến việc duy trì khả năng sinh sản và ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng. Ngoài ra, để phòng bệnh, nam giới cần giữ vệ sinh tốt cho cơ quan sinh dục, ở trẻ nhỏ cần theo dõi phát hiện sớm hẹp bao quy đầu để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Kh. Anh  (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.