Bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong trong đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một báo cáo đánh giá tổng quan gần đây đã xem xét mối quan hệ giữa các chủng virus Corona (trong đó có SARS-CoV-2) và hệ tim mạch.
Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Covid-19 và tim mạch
SARS-CoV-2 (một loại virus Corona, gây bệnh Covid-19) được xác định tác động đến phổi và đường thở. Tuy nhiên, nghiên cứu tổng quan mới nhất được báo cáo trong tạp chí JAMA Cardiology đưa ra nhận định, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng là tác nhân ảnh hưởng đến các bệnh tim mạch.
Theo Medical News Today, các nhà khoa học đã đánh giá tổng quan về mối liên hệ giữa virus Corona và sức khỏe tim mạch dựa trên các nghiên cứu đã được công bố về SARS-CoV-2, cũng như các nghiên cứu về những chủng virus Corona khác từng gây dịch trước đó như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
Các nhà khoa học nhận thấy, dường như những người có sức khỏe tim mạch kém có nhiều khả năng gặp các triệu chứng nặng hơn khi mắc Covid-19. Chẳng hạn, một nghiên cứu trên 44.672 người mắc Covid-19 tại Trung Quốc cho thấy có 4,2% bị bệnh tim mạch; và số bệnh nhân tim mạch tử vong chiếm 22,7% trong tất cả các trường hợp tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy những người bị bệnh tim mạch mắc Covid-19 có tỷ lệ tử vong là 10,5%; trong khi đó, tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19 đối với người bệnh tiểu đường là 7,3% và đối với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính là 6,3%.
Ở một nghiên cứu nhỏ khác, hồi cứu 150 người mắc Covid-19, phát hiện không ai trong số 82 người sống sót mắc bệnh tim mạch, trong khi 13/68 người tử vong mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, theo các tác giả, có một số bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể gây viêm cơ tim. Các nhà khoa học giải thích rằng các báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy các tế bào viêm xâm lấn vào cơ tim - đây là dấu hiệu đặc trưng của viêm cơ tim.
Các nghiên cứu khác cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đã bị viêm cơ tim cùng với Covid-19. Theo các nhà khoa học, điều này cũng không đáng ngạc nhiên vì nhiễm virus trước nay đã được xác định là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim.
SARS, MERS và tim mạch
Các tác giả nghiên cứu cũng dẫn chứng, thực tế trước đây, trong hầu hết các dịch cúm, nhiều bệnh nhân tử vong vì các nguyên nhân tim mạch hơn là do viêm phổi - cúm.
Sau đợt dịch SARS (xảy ra năm 2003), một nghiên cứu nhận thấy ở những bệnh nhân mắc SARS có các biến chứng tim mạch, bao gồm hạ huyết áp và nhịp tim nhanh bất thường.
Một phân tích trên 637 cá nhân có chẩn đoán MERS cũng từng phát hiện rằng dấu hiệu bệnh tim mạch xuất hiện ở 30% số người tham gia thử nghiệm. Theo các nhà khoa học, tất nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là MERS gây ra các vấn đề về tim mạch, mà cho thấy rằng những người mắc các bệnh tim mạch có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng MERS hoặc ít có khả năng chống lại nhiễm trùng.
Bài báo cáo tổng quan trên đã đưa ra một số bằng chứng khá mạnh mẽ cho thấy mối tương quan: Bệnh tim mạch có thể làm tăng cơ hội phát triển Covid-19, nguy cơ tử vong hoặc cả hai. Ngược lại, Covid-19 có thể gây ra các bệnh lý tim hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn cho rằng còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động của Covid-19 đối với sức khỏe của tim, bởi lẽ dịch Covid-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp và cần nhiều nghiên cứu thêm.
Theo Khải Linh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.