Vẫn bị tăng đường huyết dù ăn uống tốt, tại sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề đường huyết trong máu. Để giảm đường huyết, chúng ta có xu hướng điều chỉnh chế độ ăn, ưu tiên những món ít đường. Nhưng để ổn định đường huyết, không chỉ cần có thế.
Một số yếu tố như căng thẳng, mất ngủ vẫn có thể gây tăng đường huyết chứ không riêng gì vấn đề dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Shutterstock
Một số yếu tố như căng thẳng, mất ngủ vẫn có thể gây tăng đường huyết chứ không riêng gì vấn đề dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Shutterstock
Đường huyết thường tăng cao sau khi chúng ta ăn. Cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn insulin để chuyển đường glucose trong máu vào tế bào. Quá trình này là hoàn toàn bình thường, theo MSN.
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu xuất hiện khi đường huyết trong máu tăng quá cao và nhanh. Hiện tượng này xảy ra khi ăn các món nhiều đường, ít chất xơ.
Sau thời điểm tăng cao, đường huyết sẽ sụt giảm nhanh. Hệ quả là cơ thể cảm thấy mệt mỏi, dễ nổi cáu và thèm ăn những món nhiều đường.
Về lâu dài, biến động đường huyết không chỉ làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2. Lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm tổn hại các mạch máu cung cấp máu cho những cơ quan quan trọng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, thận, các chuyên gia cho biết.
Không chỉ vấn đề ăn uống mà các yếu tố sau cũng ảnh hưởng đến đường huyết:
Căng thẳng thường xuyên
Căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến lưu thông máu và kích thích gan tiết ra đường glucose. Glucose sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể để phản ứng với các mối đe dọa trong tự nhiên. Đây giống như một phản ứng sinh tồn.
Nếu bị căng thẳng thường xuyên, gan sẽ tiết ra đường glucose cũng thường xuyên hơn. Đường huyết trong máu sẽ tăng cao sẽ kích thích cơ thể tiết ra insulin để chuyển hóa.
Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến kháng insulin, tình trạng được xem là tiền thân của tiểu đường loại 2 và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Thiếu ngủ
Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ bị căng thẳng, đường huyết tăng và kích thích ghrelin, loại hoóc môn báo hiệu cơ thể đang đói.
Cơn đói sẽ kích thích chúng ta ăn nhiều hơn, khiến đường huyết tiếp tục tăng cao hơn. Đường huyết cao lại tiếp tục gây khó ngủ, cơ thể bị căng thẳng và lại tăng đường huyết. Chu kỳ như vậy cứ lặp lại nếu chúng ta không giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và điều chỉnh lại lối sống.
Bị cảm lạnh
Khi bạn bị cảm lạnh, dù là nhẹ hay nặng, thì đó đều là tác nhân gậy căng thẳng. Cơ thể sẽ tiết các hoóc môn kiểm soát căng thẳng, giúp chiến đấu chống lại bệnh tật. Đường glucose cũng được tiết nhiều hơn vào máu và làm tăng đường huyết.
Không tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất giúp tăng độ nhạy insulin và ổn định đường huyết. Tập thể dục giúp cơ thể đốt cháy glycogen, dạng dự trữ của đường glucose trong cơ bắp.
Ngược lại, lối sống thiếu vận động có thể khiến đường huyết trong máu tăng cao đột ngột. Các bằng chứng khoa học cho thấy ở những người khỏe mạnh, dù chỉ ngừng tập thể dục 3 ngày cũng có thể gây tăng đường huyết, theo MSN.
Theo Ngọc Quý (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.