Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc: 'Huyền thoại' và sự thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thoái hóa khớp là tình trạng hư hại sụn khớp không hồi phục. Sụn khớp chính là thành phần trắng, giòn. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có phải là... cứu cánh?
Hư hại hoàn toàn sụn khớp trong thoái hoá khớp là nguồn gốc cơn đau khớp gối khi đi và gây ra tiếng kêu lạo xạo khi cử động - Ảnh: TS. Tăng Hà Nam Anh
Hư hại hoàn toàn sụn khớp trong thoái hoá khớp là nguồn gốc cơn đau khớp gối khi đi và gây ra tiếng kêu lạo xạo khi cử động - Ảnh: TS. Tăng Hà Nam Anh
Sụn khớp bao gồm thành phần chất nền tạo nên sụn khớp gồm collagen mà chủ yếu là collagen típ 2, chondroitine sulfate. Thành phần chất nền được tạo nên bởi tế bào sụn (số lượng tế bào sụn rất ít chỉ khoảng 2% và không có khả năng phân chia, hồi phục khi bị tổn thương).
Sụn khớp bị hư hại do nhiều nguyên nhân khác nhau như khiêng vác quá nặng, béo phì, ngồi xổm, leo cầu thang hay leo dốc nhiều, chấn thương khớp hoặc có thể do chấn thương lặp đi lặp lại như trong trường hợp bị đứt dây chằng khớp.
Sống chung với thoái hóa dễ không? 
Để chẩn đoán thoái hóa khớp không khó. Cái khó chính là làm sao cho bệnh nhân hiểu và sống chung với bị thoái hóa. Một số bệnh nhân có xu hướng bỏ mặc đến đâu hay đến đó. Một số khác thì lo lắng quá mức và luôn đi tìm một loại thuốc có thể làm tình trạng thoái hóa khớp biến mất.
Thoái hóa khớp đôi khi không gây đau nhiều nhưng đôi khi rất đau làm bệnh nhân bị tàn phế. Nhưng vì chúng ta không biết ai sẽ đau nhiều và ai sẽ đau ít trong tương lai một khi khớp bị thoái hóa nên việc điều trị ngăn ngừa là cần thiết.
Cho đến hiện tại mục tiêu của việc điều trị là làm sao cho bệnh nhân không đau khi sinh hoạt hàng ngày với khớp bị thoái hóa. Lí tưởng nhất là làm thế nào để bệnh nhân có một khớp với đầy đủ sụn như xưa. Tuy nhiên, việc này cho đến ngày hôm nay vẫn là niềm mơ ước mặc dù có nhiều nghiên cứu ứng dụng bơm tế bào gốc vào khớp gối.
Điều trị điều trị thoái hóa gối như thế nào?
Việc điều trị thoái hóa gối phải giải quyết được 7 nguyên nhân gây đau đã liệt kê ở trên.
Giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là việc cần thiết phải làm trong suốt cuộc đời.
Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng vì khi bị đau gối bao giờ cơ tứ đầu đùi cũng bị teo nhỏ.
Tránh các môn thể thao quá mạnh khi tuổi đã lớn và khớp đã bị đau.
Việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời mà không làm hồi phục sụn hư. Nếu tình trạng sụn hư nhiều thuốc sẽ khó có tác dụng. Hơn nữa việc dùng thuốc lâu dài có khả năng gây loét dạ dày cũng như hư thận.
Bên cạnh thuốc điều trị chống thoái hóa khớp, các loại thực phẩm chức năng đã được con người tìm ra và áp dụng vào quá trình ngăn ngừa và điều trị thoái hóa khớp. Glucosamine đã được đưa vào quá trình hỗ trợ điều trị với một kết quả còn nhiều tranh cãi với các nghiên cứu cho kết quả đôi khi trái ngược nhau.
Collagen típ II và peptan đã được đưa vào sử dụng như là thực phẩm chức năng. Hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ điều trị viêm đa khớp dạng thấp cũng như thoái hóa khớp cần được chứng minh trên số lượng lớn bệnh nhân.
Các dung dịch chất nhờn bơm vào khớp gối, cổ chân hay dùng đường uống cho thấy có tác dụng giảm cơn đau của gối. Sau một thời gian 6 tháng hay 1 năm bệnh nhân cần được tiêm trở lại nếu khớp gối bị đau tái phát.
Nội soi cắt lọc khớp được xem như là biện pháp điều trị tạm thời khi bệnh nhân có triệu chứng kẹt khớp khi đi, khi các biện pháp uống thuốc, chích khớp không còn hiệu quả.
Qua hình ảnh nội soi khớp các bác sĩ sẽ lấy đi phần sụn bị hư, cắt đốt màng bao khớp, lấy đi sạn khớp hay mài bớt một phần các "gai" xương, khoan vào vùng xương dưới sụn để hy vọng máu chảy ra sẽ làm mọc sụn khớp mới.
Biện pháp này có hạn chế là chỉ áp dụng cho các trường hợp hư khớp từ ít đến vừa phải và chỉ làm trên các khớp có thể làm nội soi như gối, háng, cổ chân.
Một nghiên cứu của tác giả cho thấy tỉ lệ thành công khoảng 70% nhưng nếu bệnh nhân có hư khớp gối từ hai khoang trở lên thì tỉ lệ này chỉ còn 50%. Một khi khớp hư nhiều thì phương pháp này không còn giá trị.
Đục xương chỉnh trục khớp gối khi gối vẹo nhiều trên 7 độ hiện đang là phương pháp được ưa thích của các bác sĩ ngoại khoa Châu Âu. Việc đục xương chỉnh trục cần làm trước khi quyết định tiêm tế bào gốc vào khớp gối nhằm tăng hiệu quả của tế bào gốc hay huyết tương giàu tiểu cầu hoặc chất nhờn nhân tạo.
Ứng dụng tế bào gốc: Châu Á tràn lan, phương Tây còn nghiên cứu
Việc tiêm tế bào gốc lấy từ chính cơ thể bệnh nhân được hy vọng là làm sụn khớp mọc trở lại và hồi phục mặt sụn.
Các bác sĩ sẽ lấy tế bào gốc từ mỡ của bệnh nhân hay từ máu trong cơ thể, nuôi cấy và kích hoạt để tế bào gốc hoạt động, sau đó trộn với huyết tương của bệnh nhân đã làm cô đặc để làm giàu tiểu cầu (vì trong huyết tương giàu tiểu cầu có yếu tố tăng trưởng). Dung dịch này sẽ được bơm vào trong khớp gối.
Người ta hy vọng sau một thời gian tế bào gốc sẽ bám vào được mặt sụn và phát triển thành tế bào sụn. Tuy nhiên cho đến hiện nay chưa có các công trình nghiên cứu chứng minh hiệu quả của phương pháp này.
Một nghiên cứu của Hàn Quốc về tiêm tế bào gốc vào khớp gối bị thoái hóa. Sau 2 năm các tác giả dùng nội soi khớp gối soi vào trong gối kiểm tra và thấy 76% các tổn thương thoái hóa sụn là không thay đổi hay bị nặng hơn, tuy nhiên bệnh nhân có cải thiện đau.
Một nghiên cứu khác của các tác giả Malaysia thực hiện việc đục xương chỉnh trục khớp gối, cắt lọc khớp gối qua nội soi, khoan vào trong xương vùng mặt khớp và bơm tế bào gốc nhiều lần liên tiếp trong 2 năm.
Kết quả cho thấy có sự cải thiện về độ dày sụn, lớp sụn được tái tạo trở lại. Tuy nhiên nghiên cứu này loại bỏ các bệnh nhân lớn tuổi, khớp gối hư cả hai mặt khớp. Nghiên cứu này cho thấy cần phải phối hợp nhiều biện pháp như chỉnh trục cơ học gối, tiêm tế bào gốc, tập vật lý trị liệu… thì mới đạt hiệu quả.
Như vậy giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn khá xa.
Phải khẳng định một điều là hiện nay phương pháp dùng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa gối chỉ phổ biến ở các nước châu Á. Ở Mỹ và châu Âu, tế bào gốc vẫn còn đang trong vòng nghiên cứu và chưa có công trình nghiên cứu nào có độ tin cậy cao để chứng tỏ việc tế bào gốc có thể hồi phục sụn khớp.


Như vậy có thể nói việc tiêm tế bào gốc đơn thuần mà không chú ý đến yếu tố tuổi (lớn hơn 60 tuổi thường tế bào gốc không có tác dụng), trục khớp gối (phải đục xương chỉnh trục để giảm tải lên mặt khớp bên trong hay bên ngoài), độ nặng của tổn thương sụn khớp (ở mức độ 4 khi sụn khớp hư hoàn toàn thì tế bào gốc không còn tác dụng) thì kết quả sẽ rất kém.

Thay khớp gối khi nào?
Biện pháp cuối cùng khi khớp đã hư hoàn toàn thì thay khớp hay hàn khớp là cứu cánh cuối cùng để có thể đưa bệnh nhân về cuộc sống bình thường.
Đối với khớp gối, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ mặt sụn khớp hư, thay vào đó bằng một miếng nhựa nằm giữa hai thành phần hợp kim để bệnh nhân đi không đau. Tỉ lệ thành công từ tốt đến rất tốt lên đến 93% theo một nghiên cứu của tác giả.
Dĩ nhiên đây là biện pháp cuối cùng sau khi đã điều trị bằng mọi cách nhưng bệnh nhân vẫn không hết đau và gối đã hư và biến dạng nhiều.
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa của khớp. Cuộc chiến chống lại sự lão hóa của con người nói chung và khớp nói riêng vẫn chưa có hồi kết. Tế bào gốc vẫn còn đang được nghiên cứu và bản thân tự một mình nó không thể điều trị hết cơn đau của thoái hoá khớp.
Tóm lại, thoái hoá khớp nói chung và thoái hoá khớp gối nói riêng là quá trình lão hoá của con người. Đau là triệu chứng sớm nhất mà người ta có thể phát hiện được. Có rất nhiều biện pháp để điều trị và chưa có biện pháp nào được xem là hoàn hảo cho đến hiện tại. Việc điều trị sẽ cần phối hợp nhiều biện pháp khác nhau và tuỳ thuộc vào thời điểm.
Nếu bạn cảm thấy một ngày đẹp trời khớp của mình bị đau thì hãy tham khảo ý kiến các bác sĩ chấn thương chỉnh hình hay cơ xương khớp để có được các biện pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất.
Phòng ngừa thoái hoá khớp là biện pháp cần thiết để tránh các cơn đau do thoái hoá. Đối với khớp gối đó là tránh ngồi xổm, ngồi xếp bằng, leo trèo và khiêng vác nặng.
TS.BS TĂNG HÀ NAM ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.