Ngậm tăm khi ngủ, người đàn ông bị thủng lá lách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cây tăm chui vào bụng đâm thủng lá lách bệnh nhân làm chảy máu ổ bụng, nhiễm trùng máu.

Người đàn ông 46 tuổi tại TP HCM đau vùng hạ sườn bên trái suốt hai tuần không rõ nguyên nhân. Bác sĩ phát hiện dị vật hình cây tăm trong nhu mô lách, nguy cơ xuyên thủng động mạch lách. Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân.
 

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.



Lúc này bệnh nhân mới nhớ đầu tháng 12/2018 say rượu ngủ quên mà vẫn ngậm tăm. Thức dậy, anh thấy bụng hơi khó chịu, cho rằng do quá chén.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi rút dị vật cho người bệnh.

Lá lách là một nội tạng chứa đầy máu, nếu bất cẩn sẽ gây nguy cơ xuất huyết ồ ạt. Sau gần 2 giờ nỗ lực tìm kiếm cẩn thận, các bác sĩ rút được dị vật là cây tăm xỉa răng dài 6 cm.

 Khi bác sĩ rút cây tăm, dịch mủ đục do cơ thể phản ứng với dị vật trào ra. Đây là lý do khiến bệnh nhân đau âm ỉ liên tục 2 tuần.

Các bác sĩ thở phào vì lấy được dị vật, giữ được lá lách toàn vẹn cho bệnh nhân. Người bệnh khỏi nguy cơ bị tăm xuyên thủng động mạch lách gây xuất huyết trong ổ bụng, áp xe, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Lê Hữu Phước, Phó Khoa Gan Mật Tụy nhận định đây là trường hợp dị vật đường tiêu hóa đâm xuyên lách hiếm gặp. Thông thường các dị vật đường tiêu hóa sẽ cắm vào hoặc xuyên thủng các vị trí như dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng... và đi vào ổ bụng.

Dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng, hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng, tử vong. Hiếm gặp hơn là dị vật đường tiêu hóa xuyên vào gan, túi mật gây áp xe gan mật. Khi ấy bệnh nhân buộc phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, túi mật.


 

Cây tăm đâm vào lá lách bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Cây tăm đâm vào lá lách bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.




 Năm 2018, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận hơn 20 trường hợp cấp cứu nuốt dị vật như tăm, xương cá, xương gà, xương heo.

Bác sĩ khuyến cáo nên cẩn thận khi ăn uống, bỏ thói quen nhai xương, ngậm tăm. Khi bị hóc, tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước để "làm trôi" vì dị vật có khả năng gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa, dẫn tới nhiễm trùng, biến chứng nguy hiểm.

Khi bị đau khu trú, âm ỉ bụng, nên gặp bác sĩ để tìm rõ nguyên nhân, điều trị triệt để.

Lê Phương (VNE)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.