Sau điều trị ung thư, bao lâu thì có thể mang thai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
ThS-BS chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), giải đáp thắc mắc của nhiều bệnh nhân ung thư: Có nên mang thai sau điều trị?
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết thông thường, sau khi ngưng điều trị ung thư từ 6 tháng đến 2 năm, bệnh nhân nữ có thể mang thai. Tuy nhiên, thời gian này tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người như: cơ quan bị bệnh, giai đoạn bệnh, tuổi, tình trạng kinh nguyệt… Bên cạnh đó, việc mang thai còn tùy thuộc phương pháp trước và sau điều trị. Đối với những bệnh nhân ung thư cổ tử cung, buồng trứng… nên đợi thời gian lâu hơn những người bị ung thư vùng đầu, cổ hay phổi.
"Khi đang điều trị ung thư, bệnh nhân nên chủ động ngừa thai, không chỉ phụ nữ mà cả bệnh nhân nam do nhiều thuốc hóa trị ảnh hưởng đến tinh trùng. Nếu chẳng may có thai khi đang điều trị, bệnh nhân phải báo với bác sĩ điều trị để bàn cách xử trí tốt nhất" - bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Theo bác sĩ Vũ, phần lớn các thuốc trị ung thư là các thuốc gây độc cho tế bào nên về lý thuyết, các thuốc này có thể gây hại cho thai nhi. Còn xạ trị trực tiếp vào vùng chậu có thể gây viêm dính tử cung hoặc biến đổi buồng trứng. Tuy nhiên, may mắn là các nghiên cứu ghi nhận tình trạng thai nhi và em bé sau sinh vẫn không khác đáng kể so với các bé được sinh từ người mẹ khỏe mạnh. Về tỉ lệ sinh non và nhẹ ký có tăng nhẹ trong nhóm trẻ có mẹ bị ung thư nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau.
Các thuốc mới như điều trị nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch ảnh hưởng ra sao lên thai nhi vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyên nên tránh dùng các thuốc này trong suốt thời gian mang thai hoặc ít nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Trước thắc mắc thai kỳ có ảnh hưởng xấu đến bệnh ung thư hay không, bác sĩ Vũ cho biết may mắn là các nghiên cứu cho thấy thai kỳ không làm nặng thêm tình trạng bệnh ung thư; nếu có thì có thể là do việc trì hoãn điều trị trong giai đoạn có thai.
Cũng giống như phụ nữ, các phương pháp điều trị ung thư đều có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của đàn ông. Do đó bệnh nhân nên để có con ít nhất 6 tháng sau ngưng điều trị.
Hiện nay chưa có hướng dẫn chế độ theo dõi đặc biệt dành cho thai kỳ của những người mẹ bị ung thư. Cơ bản vẫn là theo dõi định kỳ theo lịch phối hợp của bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung thư, trong đó, lưu ý những tác dụng phụ do hóa trị như hạ máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), nhiễm trùng, suy tim… có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
"Về phía bệnh nhân, tùy thuộc loại ung thư, giai đoạn, thể trạng bệnh nhân và tuổi thai, bác sĩ điều trị ung thư phải phối hợp kỹ với bác sĩ sản khoa để chọn cách tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu được nên bắt đầu điều trị bệnh ung thư khi bệnh nhân đã sinh xong. Phẫu thuật khối u nói chung vẫn an toàn khi mang thai, nhất là tiến hành trong 3 tháng giữa thai kỳ, hóa trị vẫn có thể tiến hành miễn là theo dõi sát và xử lý các biến chứng do thuốc" - bác sĩ Vũ nói. 
Theo Hải Yến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Để dễ chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hay nhâm nhi trà hoa cúc gần giờ đi ngủ. Thế nhưng, một số nghiên cứu cho thấy ăn cơm hay gạo lứt trong các bữa ăn hằng ngày cũng góp phần giúp dễ ngủ.