Ghép gan thành công cho bé gái 2 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thành công của ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM góp phần mở ra nhiều hi vọng cho các bệnh nhi bị bệnh lý về gan nặng, có chỉ định ghép gan.

Ngày 28.12, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin đơn vị thực hiện ghép gan thành công cho một bé gái 2 tuổi. Đây là ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại bệnh viện, được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài.

Ghép gan là cơ hội sống duy nhất cho bệnh nhi

Bệnh nhi N.N.T (2 tuổi, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng báng to và bắt đầu nôn ra máu. Tình trạng xơ gan đã vào giai đoạn cuối. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất.

Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật KASAI) tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, phẫu thuật KASAI chỉ là giải pháp tạm thời vì nếu không được ghép gan, có đến 80% các bé mắc bệnh này sẽ không qua khỏi ở khoảng 2 tuổi.

 

 Ekip bác sĩ thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Ekip bác sĩ thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.


Thực hiện thành công ca ghép

Các thành viên trong gia đình đều mong muốn có thể hiến gan cho bé. Tuy nhiên, chỉ có anh N.V.N. (30 tuổi, bố ruột) có các chỉ số y học phù hợp. Ngày 15.11, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật lấy gan 7 ngày, anh N được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Sau 4 tuần chăm sóc sau phẫu thuật, da bé T ngày càng hồng hào. Ngày 21.12, bé T. đã được xuất viện.

"Từ khi sinh ra bé đã mang căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 2 năm qua chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, chúng tôi đã rất xót xa. Thật may mắn khi các bác sĩ đã có thể mang đến cho con tôi một cuộc đời mới.

Nhìn thấy bé dần dần phục hồi, ăn uống, đùa giỡn với các cô điều dưỡng làm chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Sinh bé ra đời nhưng đến giờ này tôi mới được thấy bé vui vẻ, khỏe mạnh như vậy" - chị M.T.H (mẹ ruột) chia sẻ.


 

Ngày 21.12, bé T. đã được xuất viện. Ảnh: BVCC.
Ngày 21.12, bé T. đã được xuất viện. Ảnh: BVCC.


Thêm hi vọng cho bệnh nhi bị bệnh lý về gan nặng

TS.BS Trần Công Duy Long cho biết so với ghép gan người lớn, ghép gan trẻ em có phần khó khăn hơn vì bệnh nhi rất mong manh, yếu ớt và nhạy cảm. Vì bé còn quá nhỏ, việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, tinh tế để bé có thể hợp tác với các y bác sĩ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết mỗi năm, ở nước ta có đến hằng trăm em nhỏ mắc phải bệnh về gan và cần phải ghép gan để giành lại sự sống.

"Việc thực hiện thành công ca ghép này là dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại bệnh viện, mở ra nhiều hy vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan.

Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam để có thể tự thực hiện kỹ thuật phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay" - PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.

https://laodong.vn/y-te/ghep-gan-thanh-cong-cho-be-gai-2-tuoi-989162.ldo
 

Theo Thanh Chân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Để dễ chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hay nhâm nhi trà hoa cúc gần giờ đi ngủ. Thế nhưng, một số nghiên cứu cho thấy ăn cơm hay gạo lứt trong các bữa ăn hằng ngày cũng góp phần giúp dễ ngủ.