Hy vọng nâng chiều cao, sức bền người Việt đang có cơ hội thành hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, có 35 tỉnh thành đã có Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sữa học đường, trong đó có 25 tỉnh thành đã triển khai chương trình theo đề án của Chính phủ.

Học sinh nhiều tỉnh thành đã có những thay đổi rõ rệt về chiều cao, sức bền khi được uống sữa học đường - Ảnh: T.A
Học sinh nhiều tỉnh thành đã có những thay đổi rõ rệt về chiều cao, sức bền khi được uống sữa học đường - Ảnh: T.A


Sau 6 năm triển khai chương trình sữa học đường, bình quân mỗi tháng có gần 90.000 trẻ mầm non và gần 123.000 học sinh tiểu học dùng sữa học đường, tầm vóc và thể trạng các bạn nhỏ ở Bắc Ninh đã có thay đổi rõ rệt: So sánh năm học 2017-2018 và 2019-2020, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhóm nhà trẻ giảm từ 3,35% xuống còn 1,6%, trẻ mẫu giáo từ 3,5% xuống còn 2,31%, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm nhà trẻ giảm từ 4,5% xuống còn 3,5%, mẫu giáo giảm từ 5% xuống còn 4%.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, có 35 tỉnh thành đã có Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sữa học đường, trong đó có 25 tỉnh thành đã triển khai chương trình theo đề án của Chính phủ.

Là một đề án có mục tiêu nhằm cải thiện chiều cao, sức bền của trẻ em Việt Nam, kinh phí thực hiện chương trình không chỉ từ ngân sách, mà là đóng góp của nhiều bên: nhà nước, nhà sản xuất và gia đình các cháu.

Với cách làm này, số lượng địa phương triển khai sữa học đường đang mở rộng và hy vọng nâng chiều cao, sức bền cho trẻ có cơ hội thành hiện thực.

Nhiều địa phương tích cực triển khai sữa học đường

Cho đến năm 2020 vẫn còn đến 38 tỉnh thành phố chưa bố trí được ngân sách địa phương để triển khai sữa học đường, nhưng số địa phương đã có sữa cho các cháu uống tại trường học đã là 25 tỉnh thành, chưa kể 10 tỉnh thành khác cũng đang đấu thầu/chuẩn bị để sữa về đến trường.

 

Trẻ uống sữa học đường từ đóng góp của ngân sách, gia đình và doanh nghiệp sản xuất sữa - Ảnh: T.A
Trẻ uống sữa học đường từ đóng góp của ngân sách, gia đình và doanh nghiệp sản xuất sữa - Ảnh: T.A


"Tuỳ từng địa phương mà doanh nghiệp sản xuất sữa hỗ trợ chi phí. Mức hỗ trợ thường là 20% - 25% trên giá bán. Bên cạnh đó là đóng góp của gia đình các cháu, có nơi như Kon Tum - phụ huynh chỉ phải đóng 10% tiền sữa, hay Tây Ninh - phụ huynh đóng 15% …" - ông Khoa chia sẻ.

Tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, chi phí sữa được ngân sách địa phương và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, phụ huynh không phải đóng thêm khoản nào. Điều này đồng nghĩa, trẻ em cứ đến lớp học là được uống sữa đồng đều như nhau và hoàn toàn miễn phí.

Tổng hợp từ 25 tỉnh thành đã triển khai chương trình, ông Khoa cho biết hơn 9.700 tỉ đồng đã được dành mua sữa cho các cháu, với hơn 2,1 triệu cháu đang được uống sữa tại trường trong năm học này, chiếm gần 16% số học sinh mầm non và tiểu học cả nước.

Trong số này có 12 tỉnh thành triển khai được tại tất cả các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn, 13 tỉnh thành triển khai được tại các trường vùng sâu vùng xa, gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách được tặng 100% chi phí mua sữa, gia đình cận nghèo được hỗ trợ 40-60%. Đó là chưa kể 3 tỉnh thành khác đang triển khai đấu thầu và sẽ sớm có sữa cho các cháu, 9 tỉnh thành khác đã có kế hoạch sớm triển khai.

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đã có những chuyển biến rõ về tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở những địa phương đã triển khai chương trình sữa học đường. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi khi tỉnh bắt đầu triển khai chương trình là 28,,4%, hiện con số này là 18,9%, tỉnh Tây Ninh mặc dù mới triển khai đến năm học thứ 2 nhưng trẻ suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm 2%, Ở Kon Tum sau 3 năm triển khai sữa học đường, trẻ suy dinh dưỡng đã giảm từ trên 38% xuống còn 28,8%.

"Chương trình Sữa học đường trên thế giới đã có lịch sử trên 100 năm. Tại Nhật Bản, sau 70 năm triển khai, chương trình đã có những dấu ấn rất rõ trong cải thiện tầm vóc người Nhật, sữa học đường cùng với chương trình bữa ăn học đường Nhật đã trở thành hình mẫu trong hoạt động này và được nhân rộng ở nhiều nơi, đến nay 30% số quốc gia trên thế giới đã có chương trình sữa học đường. Việt Nam có lẽ không ngoài xu thế chung này" - ông Trung cho biết.

Dinh dưỡng học đường cần an toàn, hiệu quả

 

Trong chương trình sữa học đường, trẻ cũng được hướng dẫn về xử lý rác thải, dần có ý thức bảo vệ môi trường - Ảnh: T.A
Trong chương trình sữa học đường, trẻ cũng được hướng dẫn về xử lý rác thải, dần có ý thức bảo vệ môi trường - Ảnh: T.A


Từ 2000 đến 2017, tỉ lệ trẻ suy dinh ở Việt Nam đã giảm ngoạn mục, từ 33,8% xuống còn 13,8%, thể thấp còi giảm từ 36,5% xuống còn 23,8%. Ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất từng là vấn đề phổ biến, Bộ Y tế và các tỉnh thành đã triển khai nhiều chiến dịch can thiệp.

Tuy nhiên cho đến nay tỉ lệ trẻ thiếu vi chất vẫn còn khá cao, năm học 2014-2015, tỉ lệ trẻ 5 tuổi có tình trạng thiếu máu là 27,8%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13%, thiếu kẽm 69,4%... Tình trạng này được cho là do khẩu phần ăn của trẻ không đảm bảo về lượng và tỷ trọng các thành phần dinh dưỡng chủ yếu.

Chính vì vậy ông Trần Quang Trung đề nghị nâng cao tầm vóc và cải thiện về trí não cho trẻ thông qua sữa học đường và bữa ăn của trẻ là rất cần thiết.

Theo bà Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, nếu trẻ thấp còi khi 3 tuổi sẽ có chiều cao thấp khi trưởng thành và khi đó không có cách nào can thiệp được cải thiện chiều cao.

Với bữa ăn của trẻ, bà Nhung cũng khuyến cáo cha mẹ nên thay đổi thói quen, các bữa phụ nên cung cấp nhiều vi chất thay vì cho con ăn nhiều năng lượng, bởi 1 bát xôi trứng đã cung cấp gần 700 kcal, nhưng lượng canxi chỉ 94 mg, 1 bát xôi giò mang đến 478 kcal, nhưng chỉ có 19 mg canxi, trong khi 1 hộp sữa tươi cho 100-120 mg canxi nhưng chỉ cung cấp 70 kcal, điều này giúp trẻ học đường phòng tránh cả chứng thừa cân, béo phì.

Trong đó, sữa học đường được PGS.TS. Bùi Thị Nhung đánh giá cao về độ an toàn, hiệu quả khi bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của trẻ. "Sữa được bổ sung với hàm lượng vừa đủ vào bữa ăn hàng ngày sẽ giúp cho trẻ cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, có cơ thể khỏe mạnh, tăng chiều cao và sức đề kháng", bà Nhung cho biết.

Phân tích 7 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và 5 nghiên cứu trên trẻ em cho thấy bổ sung sữa đã giúp cải thiện chiều cao thêm 0,4 cm/năm cho trẻ em.

Mục tiêu đã được đề án sữa học đường đặt ra là nâng chiều cao, sức bền cho thanh niên Việt Nam, để người Việt không còn e ngại vì chiều cao vào loại thấp nhất khu vực. Nhưng muốn đạt được mục tiêu này, cần có hành động và sự thay đổi tích cực ngay từ hôm nay.

Liên đoàn sữa Thế giới IDF trong thông cáo mới nhất cho biết hiện có gần 160 triệu trẻ em trên thế giới đang được hưởng lợi từ các chương trình uống sữa tại trường học cũng như nhấn mạnh về vai trò quan trọng của sữa học đường trong việc bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cho trẻ em, góp phần giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng và khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ.


Theo HỒNG HÀ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.