Ia Grai: Ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Grai (Gia Lai) chưa ghi nhận ổ dịch bệnh nào trong trường học. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trường học vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, ngành Y tế huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nhằm ngăn chặn, khống chế, không để lây lan dịch bệnh.
Không để dịch bệnh lây lan
Năm 2018, huyện Ia Grai ghi nhận 111 ca mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, trên địa bàn đã xảy ra 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non ở các xã Ia Sao, Ia Yok và Ia Bă với 96 ca mắc. Theo ông Ngân Văn Thư-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, ngay từ đầu năm 2019, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch bệnh; đồng thời phối hợp tổ chức thực hiện cùng các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Phòng GD-ĐT. Hiện đang là mùa đông-xuân, một số dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan trong trường học như: đau mắt đỏ, tiêu chảy, sởi… Dù chưa ghi nhận ổ dịch nào trong trường học từ đầu năm 2019 đến nay nhưng chủ động tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh trường học là điều luôn được chú trọng. Do vậy, Trung tâm đã chỉ đạo Ban Y tế Dự phòng huyện phối hợp với các xã tăng cường công tác giám sát cơ sở, đơn vị trường học nhằm nắm bắt thông tin, chủ động phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là trong trường học.
  Các trường học tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng-chống dịch bệnh.     Ảnh: N.N
Các trường học tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng-chống dịch bệnh. Ảnh: N.N
Cũng theo ông Thư, ngành Y tế đã phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức hội nghị tập huấn về các biện pháp phòng-chống dịch bệnh nói chung, tay chân miệng nói riêng cho ban giám hiệu và cán bộ y tế các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Hiện nay, hầu hết các trường đều có kiến thức cơ bản và phối hợp cùng ngành Y tế chủ động triển khai các biện pháp. Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-cho biết: Phòng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị phối hợp cùng ngành Y tế và làm theo hướng dẫn nhằm đảm bảo công tác vệ sinh trường học; khi có dịch bệnh xảy ra cần nhanh chóng báo cáo, phối hợp xử lý kịp thời, không để bùng phát và lây lan.
Tăng cường tuyên truyền
Tháng 10-2018, Trường Mầm non 1-5 (xã Ia Yok) xảy ra dịch bệnh tay chân miệng với 35 học sinh mắc. Quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự, công tác phòng-chống dịch bệnh được nhà trường chú trọng, tăng cường. Bà Trần Thị Thanh Nhàn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Năm học 2018-2019, toàn trường có 333 học sinh. Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh nhằm nâng cao nhận thức về phòng-chống dịch bệnh. Giáo viên, nhân viên y tế thường xuyên theo dõi trẻ đến lớp, nếu có các biểu hiện bệnh thì thông báo ngay cho gia đình để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và xử lý kịp thời.
Nhà trường cũng tuyên truyền, hướng dẫn, bảo đảm tất cả học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín. Chú trọng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Thực hiện bếp ăn bán trú tại trường đảm bảo theo dây chuyền bếp ăn một chiều; ký cam kết với cơ sở cung cấp thực phẩm chặt chẽ, an toàn. Xây dựng thực đơn đảm bảo theo tuần, tháng, theo mùa để trẻ có chế độ ăn uống hợp lý khoa học, phòng tránh các loại bệnh do ăn uống gây nên và các loại bệnh theo mùa, thời tiết phát sinh. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động phối hợp tốt với Trạm Y tế xã thực hiện công tác phòng-chống dịch bệnh.
Rút kinh nghiệm từ năm 2018, Trường Mầm non 15-5 (xã Ia Bă) cũng đã có kế hoạch chủ động các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trong trường học. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhi-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Cuối tháng 10-2018, trường có 13 học sinh mắc bệnh tay chân miệng. Theo đó, nhà trường đã phối hợp cùng ngành Y tế nhanh chóng xử lý, không để lây lan. Hiện nay, nhà trường thường xuyên tuyên truyền về cách phòng-chống và xử lý khi trẻ bị nhiễm bệnh đến Hội Phụ huynh học sinh và trong cộng đồng; dán nội dung tuyên truyền lên bảng thông báo để phụ huynh theo dõi mỗi khi đưa đón con đi học. Phối hợp với phụ huynh theo sát diễn biến của học sinh, trao đổi kịp thời với phụ huynh về sức khỏe và các hoạt động của trẻ trên lớp. Lập kế hoạch phòng-chống các dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trong trường học và triển khai thực hiện xuyên suốt trong năm học. Tăng cường giám sát, kiểm tra, báo cáo kịp thời không để bùng phát các ổ dịch tại trường trong thời gian tới.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.