Thực đơn cân bằng dinh dưỡng: Góp phần cải thiện thể trạng học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để bữa ăn thêm bắt mắt, ngon miệng với đầy đủ dinh dưỡng, một số trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã áp dụng bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú của học sinh.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị Nhung-Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Việc nghiêm túc thực hiện xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh, đặc biệt là các em ở lứa tuổi 6-11 tại các trường Tiểu học sẽ góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, béo phì và từng bước nâng cao tầm vóc người Việt Nam”.
Giúp trẻ ăn uống khoa học
Tham gia chương trình tập huấn xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh Tiểu học trong các trường bán trú tại Gia Lai do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hồi đầu tháng 10, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị Nhung đã chỉ ra một số hạn chế trong bữa ăn học đường hiện nay. Cụ thể, đa số các trường áp dụng công thức: món mặn-món xào-món canh. Thậm chí, bữa ăn tại nhiều trường chỉ có món mặn, món canh và thường xuyên lặp lại. Điều này đã gây ra sự thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng như i ốt, sắt, các nhóm vitamin. Những thực đơn đó lâu dần hình thành thói quen dinh dưỡng không hợp lý; ăn nhiều chất đạm, béo, ít ăn rau, trái cây dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ. Trong khi thực đơn cân bằng dinh dưỡng phải đảm bảo 4 nhóm: tinh bột, đường; vitamin, chất xơ, khoáng chất; chất béo và đạm.
Học sinh Trường Tiểu học Đak Krong rất hứng thú với bữa ăn trưa tại trường. Ảnh: N.G
Học sinh Trường Tiểu học Đak Krong rất hứng thú với bữa ăn trưa tại trường. Ảnh: N.G
Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku) đưa vào áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh trong bữa ăn bán trú. Sau hơn 1 năm triển khai, bộ thực đơn này đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, giúp học sinh ăn uống khoa học hơn. Chị Huỳnh Thị Thùy Trang-bếp trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc-cho biết: “Dựa trên bộ thực đơn này, chúng tôi thường xuyên thay đổi món ăn để giúp các con ngon miệng hơn. Cứ 8 tuần thì nhà bếp mới phải lặp lại thực đơn ở một số món. Điều này giúp trẻ luôn hứng thú với bữa ăn vì sự mới lạ, hấp dẫn”.
Còn tại Trường Tiểu học Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa), các em học sinh bán trú cũng đã được ăn uống theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ vài năm nay. Em Nguyễn Trịnh Gia Như (lớp 3B) nói: “Hồi trước, con không thích ăn cà rốt hay củ cải nhưng khi các loại củ này kho với thịt bò hay sườn heo, con lại thích ăn. Ngoài ra, con còn thích ăn rau muống xào, canh rau mùng tơi nấu tôm”. Học sinh có được sự thay đổi tích cực này là nhờ bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng học đường chú trọng đưa rau củ vào tất cả các món để cân bằng lại chất xơ và vitamin đang bị thiếu hụt trong bữa ăn của các em. “Thịt bò kho cà rốt, sườn sốt cà chua, cá kho dừa... hay những món xào kết hợp các loại rau củ giúp học sinh tiếp nhận và ăn các loại rau dễ dàng hơn, cải thiện hẳn tình trạng không chịu ăn rau ở trẻ”-bà Lương Thị Lệ-bếp trưởng Trường Tiểu học Đak Krong-cho biết. Để từng bước hình thành thói quen ăn uống khoa học cho học sinh, nhiều trường còn áp dụng phương pháp “3 phút thay đổi nhận thức”. Có nghĩa là trước khi ăn, học sinh sẽ có 1-3 phút để tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của từng loại thức ăn, đặc biệt là rau củ quả. Điều này đã giúp trẻ hứng thú với từng món ăn hơn.
Cải thiện thể trạng học sinh
Thực đơn cân bằng dinh dưỡng góp phần cải thiện tình trạng trẻ béo phì, suy dinh dưỡng khi áp dụng phù hợp từng đối tượng học sinh. Nói thêm về vấn đề này, chị Huỳnh Thị Thùy Trang cho biết: “Đối với những trẻ bị béo phì, chúng tôi sẽ bớt tinh bột, chất béo và thêm nhóm thực phẩm giàu chất xơ, vitamin. Đối với trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì ưu tiên nhóm thực phẩm giàu canxi, đạm, chất béo... Chúng tôi cũng nấu đồ ăn riêng cho những học sinh dễ bị dị ứng với hải sản, thịt bò bằng cách thay thế thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương. Công tác chăm sóc cho những trẻ thuộc nhóm cần cân bằng lại dinh dưỡng cũng được nhà trường phối hợp rất tốt với phụ huynh”. 
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Thực đơn cân bằng dinh dưỡng được triển khai ở mô hình bán trú bậc tiểu học góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác nuôi dưỡng học sinh khi tiếp nối được thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã được áp dụng ở bậc Mầm non trong nhiều năm qua. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo tất cả các trường nghiêm túc thực hiện chứ không phải chỉ một số trường áp dụng như hiện nay”.

Chính vì chú trọng bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mà thể trạng học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có sự cải thiện đáng kể. Anh Phạm Minh Nam-cán bộ y tế học đường Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc-cho biết: “Để đánh giá được tác động của thực đơn cân bằng dinh dưỡng đến sự thay đổi thể trạng học sinh cần thời gian từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên nhà trường áp dụng thực đơn này, thể trạng của học sinh đã có dấu hiệu thay đổi tích cực. Một số trẻ bị béo phì đã chững lại về cân nặng và phát triển chiều cao tốt hơn. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì tăng cân đều đặn hơn. Ngoài ra, khảo sát quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các em thì đã có hơn 60% học sinh thích ăn rau, tăng nhiều lần so với trước kia. Số còn lại tuy không thích nhưng vẫn ăn được. Như vậy, coi như thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã thành công giúp trẻ hấp thụ nhóm vitamin, khoáng chất trong rau củ khi khuyến khích ăn nhóm thực phẩm này”.
Nói thêm về vai trò của thực đơn cân bằng dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, anh Trần Đức Huấn-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Krong (huyện Đak Đoa) đánh giá: “Hàng năm, chúng tôi phối hợp kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường Tiểu học Đak Krong. Những trẻ ở bán trú tại trường được ăn uống theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng hầu hết có thể trạng tốt hơn, kéo theo sự phát triển trí tuệ. Đặc biệt, với nhóm trẻ này, tình trạng béo phì hay suy dinh dưỡng thấp còi được cải thiện qua từng năm. Chiều cao của các em cũng tiến triển rõ rệt”.
Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng còn giúp các trường vùng khó biết cách điều chỉnh chế độ ăn đầy đủ vi chất cho học sinh. “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiền ăn theo chế độ bán trú cho học sinh khá ít. Do đó, dựa vào thực đơn cân bằng dinh dưỡng, các trường đều tự tăng gia trồng rau củ các loại phục vụ bữa ăn bán trú để tăng thêm phần kinh phí cho nhóm thực phẩm giàu đạm, chất béo là thịt, cá, hải sản cho các em. Và đây là điều rất ý nghĩa với học sinh vùng khó”-thầy Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang-cho biết.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Để dễ chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hay nhâm nhi trà hoa cúc gần giờ đi ngủ. Thế nhưng, một số nghiên cứu cho thấy ăn cơm hay gạo lứt trong các bữa ăn hằng ngày cũng góp phần giúp dễ ngủ.