Lạ mắt miền Tây: "Hóa phép" bức tượng "ẩn mình" trên thân cây sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây kiểng và điêu khắc, hai môn nghệ thuật tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau, ấy vậy mà tại vùng đất Tây Đô, có một người thợ đã kết hợp chúng lại với nhau để cho ra những tác phẩm độc đáo, lạ mắt ngay trên cây còn sống.
Đó là anh Trần Quốc Việt (phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ). Cũng nhờ biệt tài này mà nhiều người ở khắp nơi đã tìm đến anh để tận mắt chứng kiến những tác phẩm có một không hai.
Những bức tượng “ẩn mình” trên thân cây sống. Nghe có vẻ khó tin, nhưng những tác phẩm này đã và đang chinh phục nhiều người. Trong dịp tết Nguyên đán sắp đến, người thợ tài hoa này sẽ cung ứng ra thị trường hàng trăm tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc lạ. Với cách tạo hình độc đáo, mỗi sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà lại còn mang ý nghĩa may mắn, mang nét đặc trưng riêng.
Nghệ thuật điêu khắc tượng trên thân cây sống đang được anh Việt hoàn thiện từng ngày. Ảnh: Mai Anh.
Gắn bó với nghề điêu khắc gỗ gần 25 năm, nhưng đối với anh Việt thì nghệ thuật điêu khắc, nhất là trên gỗ nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm và năng khiếu thôi chưa đủ. “Muốn theo đuổi và gắn bó với nghề lâu dài đòi hỏi phải thật sự đam mê, học hỏi và sáng tạo. Vì thế, vào đầu 2018 tôi đã mạnh dạng nghiên cứu, thử nghiệm và lần đầu tiên khắc tượng lên các thân cây vẫn còn sống” - anh Việt cho hay.
Theo anh Việt, anh lấy ý tưởng đục từ trên cây chết, sau đó mới tạo trên cây sống. Thời gian đầu mới bắt đầu làm, anh Việt mất nhiều đêm suy nghĩ cách điêu khắc. “Thậm chí có đêm tôi tự dưng xách cái đục ra ngồi đục cũng không chừng, nhã hứng giờ nào thì mình làm ngay lúc đó để thành hình ý tưởng trong đầu mình ra tác phẩm” - anh Việt chia sẻ.
Anh Việt cho biết: Để tạo được một tác phẩm điêu khắc trên cây sống, thường phải mất từ 10 ngày đến nửa tháng. Những thân cây được chọn thường có độ tuổi từ 10 năm trở lên, những loại cây này thường là cây phát tài, cây khế,… Bởi ngoài đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc thì khi khắc tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng phật Di lặc,… sẽ mang đến ý nghĩa đầy đủ, may mắn trong cuộc sống. Để tạo ra tác phẩm đẹp, có hồn thì yếu tố then chốt chính là ý tưởng và sự sáng tạo của mỗi người thợ trong quá trình chế tác.  
Mỗi tác phẩm điêu khắc tượng trên thân cây kiểng là cả quá trình lao động miệt mài và đầy tâm huyết của anh Việt. Ảnh: Mai Anh.
Điêu khắc trên những gốc cây chết vốn đã khó, đằng này lại tạo tác trên những cây vẫn còn sống, đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo cùng với sự khéo léo, tỉ mỉ từ đôi tay. Ngoài ra, cần phải có sự hiểu biết về đặc tính của cây để khi thực hiện không gây biến dạng hoặc chết cây.
“Điêu khắc dạng này nói chung là không có bản vẽ, chủ yếu cứ trừu tượng trong đầu rồi tôi tạo ra, sau đó thả hồn vào đó thì nó mới đẹp. Trên cây sống này, tôi đục rất kỹ và chậm. Ở cây chết mình còn có thể cho máy vô để hỗ trợ, còn cây sống thì tuyệt đối không sử dụng máy, khi lỡ phạm vô trong ruột cây thì nó chết luôn. Tôi phải hoàn toàn điêu khắc thủ công” - anh Việt bộc bạch.
Mỗi một thân cây sau khi được tạo tác và điêu khắc sẽ có giá cao từ 3-5 lần so với giá trị hiện có. Vì thế, anh Việt cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu việc điêu khắc tượng lên nhiều loại cây kiểng khác góp phần làm phong phú thêm thị trường cây kiểng hiện nay.
Theo anh Việt, tùy theo gốc cây có hình dáng như thế nào sẽ bố trí tượng nằm trên đó. Cây mang tượng điêu khắc trên thân vẫn phát triển bình thường, khách mua về vẫn trồng và tưới nước như những cây kiểng khác, còn tượng thì không nở theo thời gian khi cây lớn.
Anh Phạm Duy Thiên (ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho rằng: “Tôi thấy khắc trên cây chết thì nó dễ còn khắc trên cây sống thì sợ nó chết cây. Đây thật sự là một ý tưởng hay. Những tác phẩm được tạo ra thật sự bắt mắt, đòi hỏi người nghệ nhân phải làm bằng cả tâm huyết.
Dân Việt xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh độc đáo của việc “hóa phép” điêu khắc tượng trên cây kiểng còn sống chưng Tết:
Gắn bó với nghề điêu khắc gỗ gần 25 năm, nhưng anh Việt bắt đầu tiếp cận nghệ thuật điêu khắc tượng trên thân cây kiểng còn sống vào đầu 2018. Ảnh: Ảnh: Mai Anh.
Để có được thành quả như hôm nay, anh Việt đã phải lao động miệt mài, cộng với niềm đam mê bất tận. Ảnh: Mai Anh.
 Để tạo được một tác phẩm điêu khắc trên cây sống, thường phải mất từ 10 ngày đến nửa tháng. Những thân cây được chọn thường có độ tuổi từ 10 năm trở lên. Ảnh: Mai Anh.
Sau khi tạo tác, những bức tượng trên thân cây kiểng sẽ được phủ một lớp sơn đặc biệt nhằm tạo sự đẹp mắt và đảm bảo độ bền. Ảnh: Mai Anh.
 Bộ ba Phước – Lộc – Thọ trên cây phát tài; hay tượng phật di lặc trên thân cây khế, là 2 trong số hàng chục tác phẩm điêu khắc nghệ thuật trên cây sống của anh Việt. Ảnh: Mai Anh.
 Dù chỉ mới cho ra mắt khoảng 5 tháng, nhưng những tác phẩm điêu khắc tượng lên cây đã tạo được ấn tượng với nhiều người. Ảnh: Mai Anh.
Những bức tượng được điều khắc trên thân không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây kiểng, góp phần đa dạng mặt hàng cây kiểng chưng Tết sắp tới. Ảnh: Mai Anh.
Mai Anh-Ngọc Quyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm