Sắp xuất hiện 6 hiện tượng thiên văn kỳ thú ở Việt Nam tháng 11 này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Hội Thiên văn Hà Nội HAS, trong tháng 11.2021, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng 6 hiện tượng kỳ thú. Riêng ngày 5.11, có tới 3 hiện tượng trăng non, mưa sao băng và sao Thiên Vương ở vị trí đối lập. 
 
Nguyệt thực vào đầu năm nay. Ảnh: AFP
Nguyệt thực vào đầu năm nay. Ảnh: AFP
Trăng non vào ngày 5.11
Mặt trăng và mặt trời sẽ ở cùng một phía so với trái đất. Điều này sẽ khiến bạn không thể quan sát được nó trên bầu trời đêm. Hiện tượng này xảy ra vào lúc 4h15 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể có độ sáng yếu như các thiên hà và các cụm sao bởi vì chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng từ mặt trăng.
Mưa sao băng Taurids vào ngày 4-5.11
Mưa sao băng Taurids là một trận mưa sao băng nhỏ và kéo dài với tần suất 5 - 10 sao băng một giờ ở cực đại. Taurids khác thường bởi vì trong nó tồn tại hai dòng vật chất tách biệt. Một là dòng vật chất bắt nguồn từ những hạt bụi từ Asteroid 2004 TG10. Hai là dòng vật chất hình thành từ các mảnh vỡ của Sao Chổi 2P Encke.
Mưa sao băng Taurids xảy ra hàng năm từ ngày 7.9 đến ngày 10.12. Năm nay, mưa sao băng đạt cực đại vào đêm 4.11. Vào thời gian này, pha trăng non làm cho bầu trời tối, tạo điều kiện tuyệt vời để quan sát mưa sao băng.
Thời điểm quan sát lý tưởng là ngay sau nửa đêm, ở một nơi đủ tối, cách xa ánh đèn đô thị. mưa sao băng Taurids phát ra từ chòm sao Taurus (Kim Ngưu) nhưng nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Sao Thiên Vương ở vị trí đối lập vào ngày 5.11
Hành tinh xanh này sẽ ở vị trí gần trái đất nhất, với phần bán cầu hướng về phía trái đất được mặt trời chiếu sáng toàn bộ. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Thiên Vương tinh khi nó tỏa sáng rực rỡ nhất trong năm, và có thể quan sát được suốt đêm. Do ở cách xa trái đất, sao Thiên Vương chỉ có thể được nhìn thấy dưới dạng một chấm nhỏ màu xanh lơ và xanh lục, kể cả khi sử dụng các loại kính thiên văn hiện đại nhất.
Mưa sao băng Leonids vào ngày 17 - 18.11
Leonids là trận mưa sao băng cỡ trung bình, với tốc độ sản sinh 15 sao băng một giờ tại cực điểm. Mưa sao băng Leonids độc nhất vô nhị bởi những trận lốc sao băng xảy ra theo chu kỳ 33 năm.
Khi đó có thể quan sát được hàng trăm ngôi sao băng được sản sinh mỗi giờ. Mưa sao băng Leonids được hình thành từ những hạt bụi của Sao Chổi Tempel - Tuttle, thiên thể được phát hiện năm 1865. Leonids xuất hiện hàng năm từ ngày 6-30.11. Năm nay, mưa sao băng đạt cực đại vào đêm 17 và sáng 18.11.
Trăng tròn vào ngày 20.11
Mặt trăng và mặt trời nằm ở hai phía đối diện của trái đất, điều này khiến cho phần bán cầu hướng về phía trái đất của mặt trăng được mặt trời chiếu sáng toàn bộ. Hiện tượng này xảy ra vào lúc 3h59 (giờ Việt Nam). Pha trăng tròn này được các bộ lạc bản địa Châu Mỹ cổ xưa gọi là trăng hải ly vì đây là thời điểm đặt bẫy hải ly ở các đầm lầy và sông băng. 
Nguyệt thực một phần vào ngày 19.11
Hiện tượng nguyệt thực một phần xảy ra khi mặt trăng đi qua vùng nửa tối của trái đất và chỉ một phần của nó đi vào vùng bóng tối của trái đất. Khi xảy ra hiện tượng này, một phần của mặt trăng sẽ bị khuyết đi khi nó đi qua bóng của Trái đất.
AN AN (THEO HAS/LĐO)

https://laodong.vn/moi-truong/sap-xuat-hien-6-hien-tuong-thien-van-ky-thu-o-viet-nam-thang-11-nay-970235.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.