Sinh vật "bất tử" 500 triệu năm tiết lộ cách sống sót trong vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Loài sinh vật cổ xưa có mặt ở Trái đất hơn 500 triệu năm trước đang là đối tượng nghiên cứu của NASA để khám phá cách sống sót trong vũ trụ khắc nghiệt.

NASA đưa gấu nước (tardigrade) vào vũ trụ. Ảnh: Wiki
NASA đưa gấu nước (tardigrade) vào vũ trụ. Ảnh: Wiki
Gấu nước hay tardigrade được biết đến là một trong những sinh vật có khả năng sống sót trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Chúng sẽ là đối tượng của một loạt thí nghiệm tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để tiết lộ bí mật về siêu năng lực của chúng.
Theo tờ Live Science, các sinh vật 8 chân dài 0,5mm (chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi) đã được gửi đến ISS trong khuôn khổ thí nghiệm Cell Science-04 trên tàu SpaceX Dragon 22 vào ngày 3.6.
Gấu nước sinh sống ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái đất, bao gồm cả những môi trường sống khắc nghiệt nhất như biển sâu, núi lửa và Bắc Cực. Theo NASA, thí nghiệm mới sẽ đưa khả năng thích ứng của chúng vào không gian trong điều kiện vi trọng lực và bức xạ cao. Các nhà khoa học sẽ giữ những con gấu nước trên trạm vũ trụ trong 4 thế hệ để xem những thay đổi nào diễn ra trong ADN của chúng theo thời gian.
Thomas Boothby, trợ lý giáo sư tại Đại học Wyoming ở Laramie, tác giả chính của nghiên cứu, nói trong một tuyên bố của NASA: "Chúng tôi muốn xem những 'thủ thuật' mà những con tardigrade sử dụng để sống sót khi đến không gian, và theo thời gian, con cháu của chúng sử dụng những 'mánh khóe' nào. Chúng giống nhau hay chúng thay đổi qua nhiều thế hệ? Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra".

Sinh vật 8 chân có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi. Ảnh: Wiki
Sinh vật 8 chân có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi. Ảnh: Wiki
Tardigrade đã là những nhà du hành vũ trụ có kinh nghiệm. Vào tháng 9.2007, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã gửi một loạt tardigrade vào chuyến du hành vũ trụ kéo dài 12 ngày trên tàu vũ trụ không người lái FOTON-M3. Hầu hết số tardigrade này sống sót sau khi tiếp xúc với chân không và các tia vũ trụ. Một số thậm chí còn vượt qua được bức xạ tia cực tím mặt trời có thể cao hơn 1.000 lần trên quỹ đạo so với bề mặt Trái đất.
Các thí nghiệm trước đây trên Trái đất cho thấy tardigrade có thể tạo ra nhiều chất chống ôxy hóa hơn (chất làm chậm quá trình tổn thương tế bào) khi phải đối mặt với nhiều bức xạ hơn. Các nhà nghiên cứu Cell Science-04 hy vọng thí nghiệm sẽ tìm ra liệu điều tương tự có xảy ra trong môi trường vi trọng lực hay không.
NASA cho biết, các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu sự căng thẳng của chuyến bay vũ trụ tác động thế nào đến các gene khác nhau của gấu nước.
"Việc kiểm tra những gene nào được kích hoạt hoặc vô hiệu hóa do các căng thẳng khác sẽ giúp xác định các gene phản ứng riêng với chuyến bay vũ trụ. Cell Science-04 sau đó sẽ kiểm tra xem gene nào thực sự cần thiết để thích nghi và tồn tại trong môi trường căng thẳng cao độ này" - NASA cho hay.
Các sinh vật sẽ cư trú trong Hệ thống nuôi cấy sinh học, do Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tạo ra, cho phép các nhà khoa học ở Trái đất kiểm tra từ xa việc cấy những sinh vật cực nhỏ, hoặc tế bào và mô, đồng thời điều chỉnh môi trường theo ý muốn.
"Về lâu dài, việc tiết lộ điều gì khiến tardigrade có thể chịu đựng được có thể dẫn đến các cách bảo vệ vật chất sinh học, chẳng hạn như thực phẩm và thuốc khỏi nhiệt độ khắc nghiệt, khô và tiếp xúc với bức xạ. Đây sẽ là thông tin vô giá đối với việc thám hiểm không gian sâu trong thời gian dài" - NASA cho biết.
Gấu nước được miêu tả đầu tiên vào năm 1773 bởi một mục sư người Đức J.A.E Goeze và được đặt tên là tardigrade, có nghĩa là “di chuyển chậm”. Ba năm sau đó chúng cũng được miêu tả bởi nhà sinh học người Italia Lazzaro Spallanzani.
Tuy nhiên tardigrade là loài sinh vật cổ xưa có mặt ở Trái đất hơn 500 triệu năm trước. Hóa thạch của chúng đã được tìm thấy cách đây 530 triệu năm, vào kỷ Cambri.
KHÁNH MINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/sinh-vat-bat-tu-500-trieu-nam-tiet-lo-cach-song-sot-trong-vu-tru-925083.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.