Phát hiện cả một khu rừng hóa đá, bên trong đầy quái thú tuyệt chủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một kiểm lâm viên ở Bắc California tình cờ phát hiện được một "kho báu cổ sinh vật học khổng lồ", với nhiều cây cối kỳ dị và quái thú hàng triệu tuổi, bao gồm 1 con mastodon.
Nhà cổ sinh vật học Russell Shapiro từ Đại học Bang California ở Chico (Mỹ) nói với tờ Chico State Today rằng hóa thạch của những quái thú được tìm thấy trong rừng là rất hiếm hoi ở California.
 
Một nhà cổ sinh vật học đang khôi phục mẫu vật lẫn trong đá - Ảnh: Đại học Bang California ở Chico
Một nhà cổ sinh vật học đang khôi phục mẫu vật lẫn trong đá - Ảnh: Đại học Bang California ở Chico
Khu rừng hóa đá ẩn mình tại chân núi Sierra Nevada ở California với hơn 600 cây hóa thạch, và hàng trăm hài cốt động vật, bao gồm một hộp sọ mastodon (voi răng mấu) 8 triệu tuổi còn nguyên ngà, một loài voi 4 ngà, một con tê giác cổ đại, rùa khổng lồ, cá hồi khổng lồ, một loài lạc đà… Hầu hết các "quái thú" này thuộc về những loài tuyệt chủng từ rất lâu.
Theo Smithsonian Magazine, người phát hiện đầu tiên là Kiểm lâm viên kiêm nhà tự nhiên học Greg Francek từ Cơ quan quản lý dịch vụ đô thị cấp quận ở Vịnh Đông (EBMUD). Khi đang tuần tra ở lưu vực sông Mokelumne ở Sierra Nevada, ông đã bị thu hút bởi một cái cây hóa thạch kỳ dị. Sau đó cái cây thứ 2, thứ 3 lộ diện và người kiểm lâm nhận ra mình lạc vào cả một khu rừng hóa đá ma quái.
 
Cận cảnh hộp sọ khổng lồ của mastodon vừa được khai quật - Ảnh: Đại học Bang California ở Chico
Cận cảnh hộp sọ khổng lồ của mastodon vừa được khai quật - Ảnh: Đại học Bang California ở Chico
Các thân cây và xương cốt hóa thạch tạo nên cảnh tượng giống như tất cả chúng đồng loạt bị hóa đá. Khu vực tạo nên một bức tranh rõ ràng, hoàn chỉnh về môi trường sống trong khu vực cách đây 10 triệu năm, khi các loài động vật đang tiến hóa dở dang để thích nghi từ môi trường rừng rậm sang đồng cỏ, khi khí hậu và cảnh quan khu vực thay đổi.
Cuộc khai quật đã kéo dài khoảng 1 năm và vẫn đang tiếp diễn. Riêng hộp sọ mastodon với cặp ngà nguyên vẹn dài đến 6 mét – mẫu vật được đánh giá cao nhất khu rừng – sẽ được trưng bày vào tháng 9 sắp tới tại Bảo tàng Khoa học Chico's Gateway thuộc Đại học Bang California ở Chico.
Thu Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.