Điều gì xảy ra với thi thể phi hành gia nếu họ chết trong vũ trụ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ khi con người lần đầu bay vào vũ trụ cách đây 60 năm, khoảng 21 người đã hy sinh trong các sứ mệnh.

NASA không thiết lập giao thức đối với việc xử lý thi thể trong vũ trụ. Ảnh: NASA
NASA không thiết lập giao thức đối với việc xử lý thi thể trong vũ trụ. Ảnh: NASA
Theo tạp chí Popular Science, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên khám phá không gian vũ trụ kỳ thú với nhiều người đang nuôi hy vọng sẽ sớm được đặt chân lên sao Hỏa. Tuy nhiên, như tỉ phú Elon Musk - CEO của SpaceX - từng nói: ''Nếu bạn muốn lên sao Hỏa, hãy chuẩn bị tinh thần cho cái chết''.
Câu hỏi đặt ra là khi một thành viên phi hành đoàn chết đi, sẽ mất từ vài tháng cho tới vài năm trước khi thi thể được đưa trở lại Trái đất, vậy điều gì sẽ xảy ra với thi thể một người chết trong không gian?
Theo thống kê, kể từ khi người đầu tiên bay vào vũ trụ cách đây 60 năm, khoảng 21 người đã hy sinh trong các sứ mệnh khám phá vũ trụ.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) không thiết lập các giao thức để xử lý thi thể trong không gian, nhưng các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã đưa ra cách xử lý trường hợp này một cách kính cẩn nhất khi một phi hành gia ngã xuống, theo Popular Science.
Nếu một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong khi thực hiện chuyến hành trình dài hơn 273 triệu km đến sao Hỏa, thi thể có thể sẽ được đặt trong kho lạnh hoặc làm khô bằng cách đông lạnh cho đến khi tàu vũ trụ hạ cánh.
Quy trình làm khô bằng đông lạnh trong không gian khác nhiều so với ở trên Trái đất. Khi đó, thi thể sẽ được để bên ngoài tàu vũ trụ và môi trường không gian sẽ bao phủ thi thể trong băng.
Tuy nhiên, nếu không thể thực hiện được phương pháp trữ lạnh, phi hành đoàn có thể thả thi thể người đồng hành đã khuất của họ ra ngoài vũ trụ.
Bà Catherine Conley thuộc Văn phòng Bảo vệ Hành tinh của NASA cho biết: ''Hiện tại, không có hướng dẫn cụ thể nào trong chính sách bảo vệ hành tinh, ở cấp độ NASA hoặc quốc tế, về việc xử lý thi thể một phi hành gia đã qua đời bằng cách thả vào không gian''.
Thả thi thể vào không gian có vẻ là lựa chọn dễ dàng nhất. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ thi thể mắc kẹt luôn tại quỹ đạo đường bay của tàu vũ trụ và nán lại chính xác nơi được thả ra.
Và nếu nhiều sứ mệnh chọn phương pháp này, các tên lửa trong tương lai trên đường hướng tới sao Hỏa có thể sẽ phải bay qua một "biển" xác chết.
Sau khi vượt qua được chặng hành trình gian nan đầy khắc nghiệt, các phi hành gia sống sót lên được tới sao Hỏa sẽ phải đối mặt với những thách thức sống còn mới, đó là bức xạ.
Dữ liệu trước đây của Red Plant cho thấy các phi hành gia phải hứng chịu bức xạ trên sao Hỏa cao gấp 700 lần trên Trái đất.
Bức xạ này có thể làm thay đổi hệ thống tim mạch, tổn thương tim, xơ cứng và thu hẹp động mạch, hoặc loại bỏ một số tế bào trong thành mạch máu, dẫn đến bệnh tim mạch và có thể kết thúc bằng cái chết.
Trong trường hợp này, việc chôn cất trên sao Hỏa là cần thiết, nhưng NASA có quy định nghiêm ngặt về việc tránh làm ô nhiễm các hành tinh khác với vi sinh vật trên Trái đất.
“Về việc xử lý vật chất hữu cơ (bao gồm cả các thi thể) trên sao Hỏa, chúng tôi không áp đặt bất kỳ hạn chế nào miễn là tất cả các vi sinh vật trên Trái đất đã bị tiêu hủy - vì vậy cần phải hỏa táng” - một nhân viên NASA cho hay.
PHƯƠNG LINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/dieu-gi-xay-ra-voi-thi-the-phi-hanh-gia-neu-ho-chet-trong-vu-tru-912382.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.