Bằng chứng xác định sao Mộc và sao Thổ có mưa heli

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khả năng mưa heli trên sao Mộc và sao Thổ đã được chứng minh qua các thí nghiệm của giới khoa học quốc tế.
Sự tồn tại của mưa heli trên các hành tinh cấu tạo chủ yếu từ hydro và heli như sao Mộc và sao Thổ, được các nhà khoa học dự đoán từ gần 40 năm trước.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, việc đạt được các điều kiện thực nghiệm cần thiết để xác thực giả thuyết mưa heli trên sao Mộc và sao Thổ chưa thể được thực hiện.
Trong bài viết xuất bản ngày 27.5 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học tiết lộ bằng chứng thực nghiệm ủng hộ dự đoán này. Thí nghiệm cho thấy, mưa heli có thể xảy ra trong một loạt điều kiện áp suất và nhiệt độ như dự kiến ​​xảy ra trên những hành tinh này.
“Chúng tôi phát hiện ra mưa heli có thật và có thể xảy ra ở cả sao Mộc và sao Thổ" - nhà vật lý Marius Millot, Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (LLNL), Mỹ, đồng tác giả bài viết, cho biết.
"Điều này rất quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà khoa học hành tinh giải mã cách những hành tinh này hình thành và phát triển. Đây cũng là điều rất quan trọng để hiểu cách Hệ Mặt trời hình thành" - nhà vật lý Millot chia sẻ thêm.

Các hành tinh như sao Mộc và sao Thổ (ảnh) có thể có mưa heli. Ảnh: NASA
Các hành tinh như sao Mộc và sao Thổ (ảnh) có thể có mưa heli. Ảnh: NASA
“Sao Mộc đặc biệt thú vị bởi hành tinh này được cho là giúp bảo vệ vùng hành tinh trong (nhóm hành tinh có quỹ đạo gần Mặt trời hơn - PV), nơi Trái đất hình thành. Chúng ta có thể ở đây bởi có sao Mộc" - đồng tác giả Raymond Jeanloz, giáo sư về khoa học trái đất, hành tinh và thiên văn học tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, nói.
Nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học từ LLNL, Hội đồng năng lượng nguyên tử Pháp, Đại học Rochester và Đại học California, Berkeley, đã thực hiện các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm của Đại học Rochester.
"Ghép nối nén tĩnh và xung kích điều hướng bằng laser là chìa khóa để chúng tôi đạt được các điều kiện tương đương với bên trong sao Mộc và sao Thổ, nhưng việc này rất thử thách. Chúng tôi thực sự đã phải làm việc về kỹ thuật để có được bằng chứng thuyết phục. Nhóm nghiên cứu đã mất nhiều năm và rất nhiều sáng tạo" - nhà khoa học Millot chia sẻ thêm.
THANH HÀ (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/bang-chung-xac-dinh-sao-moc-va-sao-tho-co-mua-heli-913838.ldo

Có thể bạn quan tâm