Hố đen được tạo thành từ các vũ trụ đã sụp đổ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn bộ vật chất tối đầy bí ẩn của vũ trụ có thể xuất phát từ những hố đen nguyên thủy, hình thành từ sự sụp đổ của các vũ trụ sơ sinh ngay sau sự kiện Big Bang, theo giả thuyết mới.
 
Mô phỏng sự xuất hiện của các vũ trụ sơ sinh ngay sau sự kiện Big Bang ẢNH: KAVLI IPMU
Mô phỏng sự xuất hiện của các vũ trụ sơ sinh ngay sau sự kiện Big Bang ẢNH: KAVLI IPMU
Viện Vật lý và Toán học về vũ trụ Kavli (Kavli IPMU - Nhật Bản) đang triển khai nhiều dự án vô cùng thú vị và không kém phần... quái đản. Một trong số này là dự án nghiên cứu những hố đen có thể hình thành trong vũ trụ sơ khai, trước khi các ngôi sao và thiên hà xuất hiện, theo chuyên trang Phys.org.
Theo giả thuyết mới của nhóm chuyên gia Kavli IPMU, những hố đen nguyên thủy đó (PBH) có thể là nguồn gốc cho toàn bộ hoặc ít nhất là một phần nào đó của vật chất tối, cũng như tạo tiền đề cho sự ra đời của các siêu hố đen khổng lồ ở trung tâm dải ngân hà và các thiên hà khác.
Vào buổi khởi đầu cho mọi thứ, vũ trụ vô cùng nóng và đặc, tạo điều kiện cho vô số PBH hình thành. Không giống như các hố đen mà chúng ta quan sát được trong vũ trụ hiện đại, các PBH khi đó không trỗi dậy từ xác một ngôi sao đổ sụp, vì thế chúng có kích thước hết sức đa dạng, không loại trừ các PBH siêu nhỏ.
Trong khi đó, các nhà khoa học lâu nay luôn tìm cách phát hiện vật chất tối, dạng vật chất vô hình được cho là tạo ra phần lớn khối lượng của vũ trụ, và là chất kết nối các thiên hà với nhau. Nhiều nhà vật lý học cho rằng vật chất tối có cấu tạo từ những hạt mà đến nay chúng ta vẫn chưa khám phá ra sự tồn tại của chúng. Về phần mình, đội ngũ chuyên gia đằng sau dự án của Kavli IPMU đưa ra một giả thuyết hoàn toàn khác.
“Con người vẫn chưa biết được nguồn gốc cũng như cấu tạo của vật chất tối, nhưng giờ đây sự tồn tại của hố đen đã được chứng minh, chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi: phải chăng vật chất tối cấu tạo từ các PBH xuất hiện trước thời đại của sao và thiên hà?”, theo trang Motherboard dẫn lời nhà vật lý học thiên thể Alexander Kusenko của Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) - tác giả báo cáo trên.
Chuyên gia Kusenko còn cho rằng các PBH có lẽ là những bong bóng chứa những vũ trụ nhỏ xíu, không hề có vật chất, đã bắt đầu tượng hình nhưng cuối cùng không thể hình thành vì vũ trụ của chúng ta phát triển và nở rộng với tốc độ vũ bão.
Như đã đề cập ở trên, đây là ý tưởng vô cùng lạ lùng, nhưng bằng cách nào đó đội ngũ chuyên gia của Kavli IPMU đã tìm được cách hóa giải cùng lúc một số bí ẩn lớn nhất của vũ trụ. Thế nhưng, điều gây tranh cãi nhất của nghiên cứu được đăng trên chuyên san Physical Review Letters đó là cả vũ trụ của chúng ta có lẽ giống như “một bong bóng hố đen nhỏ xíu” trước tầm mắt của một thế lực khác.
Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.