NASA công bố các mục tiêu của sứ mệnh khám phá Mặt Trăng Artemis III

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một trong các mục tiêu của Artemis III là mang về Trái Đất tổng khối lượng 85kg mẫu vật bề mặt và dưới bề mặt của Mặt Trăng, nhiều hơn mức trung bình 64kg mẫu vật mà sứ mệnh Apollo thu thập được.

Một trong các mục tiêu của Artemis III là mang về Trái Đất tổng khối lượng 85kg mẫu vật bề mặt và dưới bề mặt của Mặt Trăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trong các mục tiêu của Artemis III là mang về Trái Đất tổng khối lượng 85kg mẫu vật bề mặt và dưới bề mặt của Mặt Trăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 7/12, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố một báo cáo đầy tham vọng, nhấn mạnh các ưu tiên về khoa học của phi hành đoàn tham gia sứ mệnh Artemis III, đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2024.
Một trong các mục tiêu của Artemis III là mang về Trái Đất tổng khối lượng 85kg mẫu vật bề mặt và dưới bề mặt của Mặt Trăng, nhiều hơn mức trung bình 64kg mẫu vật mà sứ mệnh Apollo thu thập được trong giai đoạn 1969-1972.
Tiến sỹ Thomas Zurbuchen, thuộc ban quản lý Sứ mệnh Khoa học tại NASA, cho rằng Mặt Trăng chứa đựng những kiến thức khoa học quan trọng và các phi hành gia sẽ giúp loài người khám phá những bí ẩn này.
Bản báo cáo trên vạch ra lộ trình NASA dự kiến thực hiện để khám phá Mặt Trăng với sự tham gia của các nhà thám hiểm.
Theo lịch trình, sứ mệnh Artemis I được khởi động trước cuối năm 2021, bao gồm việc chạy thử hệ thống phóng không gian (SLS) và tàu vũ trụ không người lái Orion.
Sứ mệnh Artemis II sẽ thực hiện chuyến bay thử, đưa một phi hành đoàn lên quỹ đạo vào năm 2023, nhưng không hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Trong khi đó, Artemis III sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024. Trong đoàn sẽ bao gồm một nữ phi hành gia và nếu sứ mệnh thành công đây sẽ là lần đầu tiên một nữ phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng.
Báo cáo dài 188 trang cũng chỉ ra 7 mục tiêu khác của NASA trong sứ mệnh Artemis III, trong đó có việc tìm hiểu các quá trình tự nhiên trên hành tinh này.
Các nhà thám hiểm sẽ có tối đa 6,5 ngày trên Mặt Trăng. Báo cáo cũng sẽ là cơ sở để hoạch định các hoạt động trên bề mặt của Mặt Trăng.
Giới chuyên gia hiện đang đề nghị thiết lập đường truyền dữ liệu và video thời gian thực, kết nối phi hành đoàn với một đội ngũ các nhà khoa học hỗ trợ từ Trái Đất.
Các chuyên gia cũng đề xuất phát triển các thiết bị khoa học nhẹ hơn và đa năng hơn.
Ngoài ra, NASA cũng cần cân nhắc việc lắp đặt trước các thiết bị khoa học xung quanh bãi đáp của Artemis III, trong đó có kho chứa công cụ để phi hành đoàn sử dụng khi đặt chân lên Mặt Trăng và một hoặc nhiều máy thăm dò, phục vụ công tác theo dõi môi trường xung quanh.
Mục tiêu cuối cùng của dự án là xây dựng Trạm Artemis trên Mặt Trăng trước năm 2030, một kế hoạch tham vọng có thể tiêu tốn hàng chục tỷ USD và cần được Chính phủ và Quốc hội Mỹ chấp thuận.
Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm