Nghiên cứu khoa học củng cố cho thuyết sự sống bắt nguồn từ vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù được đưa vào một môi trường khắc nghiệt trong không gian và phơi nhiễm những tia UV mạnh, những đợt biến động nhiệt độ lớn, vi khuẩn Deinococcus vẫn tồn tại trong trạng thái phân mảnh sau ba năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: telanganatoday.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: telanganatoday.com)



Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại vi khuẩn có khả năng chịu đựng tia phóng xạ, có thể tồn tại ít nhất ba năm trong quỹ đạo và những tổ chức sống đơn giản này có thể sống sót vượt qua một hành trình dài giữa Trái Đất và Sao Hỏa mà không cần biện pháp bảo vệ.

Các nhà khoa học Nhật Bản, tác giả của nghiên cứu, cho biết kết quả trên củng cố thêm cho "lý thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ". Lý thuyết này cho rằng vi trùng, vi khuẩn có thể di chuyển từ hành tinh này tới hành tinh khác và gieo mầm sự sống khi đến hành tinh mới.

Để kiểm chứng lý thuyết này, các nhà nghiên cứu đã đưa một loại vi khuẩn tên là Deinococcus, có thể chịu đựng bức xạ, ra bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) ở độ cao 400km từ Trái Đất.

Dù được đưa vào một môi trường khắc nghiệt trong không gian và phơi nhiễm những tia UV mạnh, những đợt biến động nhiệt độ lớn, vi khuẩn này vẫn tồn tại trong trạng thái phân mảnh sau ba năm.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư danh dự tại Đại học Dược và Khoa học đời sống Tokyo, Akihiko Yamagishi cho biết các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vốn đã chứng minh rằng vi khuẩn sẽ có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy nhưng họ chỉ thực sự tự tin vào kết luận này khi có được kết quả nghiên cứu trong môi trường không gian.

Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra vi khuẩn có thể sống sót sau một hành trình giữa Sao Hỏa và Trái Đất, mở ra những giả thuyết gợi trí tò mò của loài người.

Giáo sư Yamagishi cho rằng mọi người đều nghĩ rằng sự sống bắt nguồn trên Trái Đất nhưng những kết quả nghiên cứu mới phần nào hé mở rằng sự sống có thể cũng đã bắt đầu từ những hành tinh khác.

Giáo sư Yamagishi và đội nghiên cứu của ông hy vọng có thể thực hiện thêm những nghiên cứu tương tự bên ngoài vành đai bức xạ Van Allen, nơi vi khuẩn sẽ chịu tác động của nhiều tia phóng xạ hơn.

Các nhà khoa học tin rằng hơn 3 tỷ năm trước Sao Hỏa ấm hơn rất nhiều so với hiện tại và cũng có những sông, hồ bao phủ trên bề mặt. Đây đều là những điều kiện thích hợp cho những dạng sống đơn giản như vi khuẩn tồn tại.

Phát hiện mới, đăng trên tạp chí Frontiers in Microbiology, cũng được công bố vào thời kỳ mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đang đặt mục tiêu khám phá Sao Hỏa.

Các chương trình thám hiểm như Hope của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thiên vấn-1 của Trung Quốc và Mars 2020 của Mỹ đều đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Sao Hỏa trong năm 2020 để tận dụng thời điểm mà Trái Đất và Sao Hỏa được cho là chuyển động ở khoảng cách gần nhau hơn bình thường.

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm