Giá trị từ những con vật siêu to khổng lồ trên Trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh kích thước siêu to khổng lồ, những con vật đặc biệt này có thể đem lại những giá trị khoa học mà không phải ai cũng biết.

Deep Blue, cô cá mập có kích thước lớn nhất từng được phát hiện (Ảnh: Sufertoday)
Deep Blue, cô cá mập có kích thước lớn nhất từng được phát hiện (Ảnh: Sufertoday)
Hầu hết ai trong chúng ta cũng đều thích những con vật khổng lồ dù chúng có đồ sộ kỳ dị, đáng sợ đến đâu.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Deep Blue, một con cá mập trắng khổng lồ có chiều dài lên tới hơn 6 mét và được cho là con cá mập trắng lớn nhất được nhìn thấy, luôn khiến mọi người chú ý bất cứ khi nào nó được phát hiện đang nhấm nháp một con cá voi đã chết.
Đó cũng là lý do mà thế giới biết đến cái tên Lolong, một trong những con cá sấu nước mặn lớn nhất từng được ghi nhận, thậm chí còn nhỉnh hơn Deep Blue đến vài thước.
Và mới đây, trong một tập phát sóng của chương trình SharkFest trên kênh National Geographic, các nhà khoa học đã phát hiện ra Kamakai, một con cá mập hổ cái sống ven quần đảo Polynesia thuộc Pháp, được cho là một trong những con cá mập hổ khổng lồ nhất được máy quay ghi hình lại.
Nhưng ngoài những thứ mang tính “giật gân” từ những câu chuyện kể trên, các chuyên gia còn có thể rút ra nhiều kiến thức khoa học thông qua những con vật siêu to, khổng lồ này.
Theo ông Chris Fischer, người sáng lập của Ocearch, một tổ chức chuyên thu thập dữ liệu đã gắn chip theo dõi một số loài cá mập trắng cỡ lớn nhất trên Trái đất, việc đưa tin về một con cá mập khổng lồ nào đó dù chẳng mang lại giá trị gì, nhưng một khi nó được bắt giữ, lấy mẫu, gắn thẻ và thả ra một cách an toàn, thì điều này lại có thể rất hữu ích cho khoa học.
“Việc theo dõi một con cá mập khổng lồ, như Deep Blue chẳng hạn, có thể tiết lộ nơi mà những con cá mập trắng thường giao phối, mang thai và đẻ con,” ông Fischer nói, “Và đối với một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá mập trắng, thì chúng là những dữ liệu rất quan trọng nhằm tìm ra cách tốt nhất để bảo tồn và tăng số lượng cá thể loài.”
Mở cánh cửa vào quá khứ

Lolong, chú cá sấu lớn nhất thế giới đã qua đời vào năm 2013 (Ảnh: Palawan Adventure Guide)
Lolong, chú cá sấu lớn nhất thế giới đã qua đời vào năm 2013 (Ảnh: Palawan Adventure Guide)
Có một lý do chính đáng khác để nghiên cứu những cá thể lớn nhất trong số những loài vật cỡ lớn: Chúng có thể cho chúng ta biết phần nào điều kiện của sinh sống của tổ tiên chúng trong quá khứ.
“Những loài thú lớn là những nguồn dữ liệu thực sự hữu ích,” Stephanie Drumheller-Horton, chuyên gia nghiên cứu các họ hàng cá sấu cổ đại tại Đại học Tennessee, Mỹ, cho biết.
Ví dụ, nghiên cứu về thức ăn của loài cá sấu khổng lồ Sarcosuchus imperator sống ở kỷ Phấn trắng, có chiều dài lên tới 12 mét, là thứ rất hữu ích để nghiên cứu chế độ ăn của những con cá sấu lớn nhất ở thời điểm hiện nay. Lolong, chú cá sấu khổng lồ đã qua đời trong điều kiện nuôi nhốt ở Philippines vào năm 2013, có khả năng ăn được thịt của cá, chim, động vật có vú và thậm chí cả gia súc trong tự nhiên.
“Chúng tôi có thể đưa ra những dự đoán này dựa trên các nhóm sinh vật còn đang sống, và điều này bao gồm việc nghiên cứu một số cá thể có kích thước lớn nhất,” bà Drumheller-Horton nói.
Đồng thời, các phép đo hiện nay có thể được sử dụng để cho thấy các loài vật đang sống đã thay đổi như thế nào để phản ứng trước các hoạt động săn bắn, đánh bắt và những tác động khác của con người.

Sarcosuchus imperator loài cá sấu khổng lồ sống từ Kỷ Phấn Trắng, có chiều dài lên tới 12 mét
Sarcosuchus imperator loài cá sấu khổng lồ sống từ Kỷ Phấn Trắng, có chiều dài lên tới 12 mét
“Nếu nhìn vào các ghi nhận trong quá khứ đối với một số loài động vật như cá đuối manta hay cá mập voi, bạn sẽ thấy rằng chúng từng có kích thước lớn hơn đáng kể so với những gì chúng ta thấy hiện nay ở các đại dương trên Trái Đất,” giáo Andrea Marshall thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ và đồng sáng lập Quỹ Marine Megafauna, cho biết, “Điều này có nghĩa là chúng ta đã săn bắt toàn bộ những cá thể lớn nhất, già nhất, trưởng thành nhất ngoài kia, Và các nhà bảo tồn phải hành động nghiêm túc để những loại này có thể trở lại kích thước ban đầu.”
Khi lớn xác thường vắn số
Các loài vật đạt kích thước khổng lồ khi còn sống là sản phẩm từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm di truyền tốt và sống trong hệ sinh thái lành mạnh. Nhưng sự nổi trội đó cũng có thể biến chúng thành mục tiêu săn bắn.
Lấy ví dụ về cá láng lớn Bắc Mỹ, một loài cá nước ngọt có từ thời tiền sử ở miền Nam nước Mỹ, từng đạt chiều dài tới hơn 2,4 mét và nặng tới 1356 kg.

Cá láng Bắc Mỹ được cho là loài cá nước ngọt có kích thước lớn nhất ở khu vực này (Ảnh: Alamy)
Cá láng Bắc Mỹ được cho là loài cá nước ngọt có kích thước lớn nhất ở khu vực này (Ảnh: Alamy)
“Một khi chúng đạt đến kích thước như vậy, có rất ít động vật ăn thịt có thể ăn được chúng,” ông Martin David, nhà thủy sinh học tại Đại học Nicholls ở bang Louisiana, Mỹ, cho biết, “Nhưng kể cả những con cá láng đã trưởng thành cũng khó thể chạy thoát khỏi tầm ngắm của một người có cung tên. Rất nhiều cá thể cá láng cỡ lớn đang bị giết để làm chiến lợi phẩm, và điều này gây hậu quả tiêu cực cho cả loại. Cá láng hiện đang bị xem là loài qúy hiếm và bị đe dọa ở một số khu vực.”
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc săn bắn những cá thể nai sừng tấm lớn nhất có thể khiến quần thể nai này mọc sừng nhỏ đi, trong khi việc săn trộm ngà voi có thể khiến những con voi đời sau được sinh ra mà không có cặp ngà hoàn chỉnh.
“Chúng ta đang tàn sát là những con vật lớn nhất và vắn số nhất trong một quần thể nhất định,” ông David nói, “Cho nên, chúng ta đang loại bỏ những bộ gene có thể làm cho chúng lớn thêm.”
Những loài bị lu mờ
Theo một số chuyên gia, một nhược điểm khác đối với việc quá chú tâm tới những động vật lớn nhất là chúng ta có thể lãng quên những cá thể ít được biết đến.
Melissa Cristina Márquez, một nhà sinh vật học biển và người sáng lập tổ chức Fins United Initiative, cho biết dù có khoảng 500 loài cá mập khác nhau đang tồn tại trên Trái Đất, nhưng những loài nhỏ hơn như cá mập epaulette, cá nhám dẹt và cá mập yêu tinh thường ít được biết đến hơn.
Cá nhám dẹt là loài đặc biệt cần được chú ý, vì những loại cá sống dưới đáy biển này đã biến mất khỏi hơn 80% môi trường sống của chúng trong thế kỷ qua và hiện được cho loài bị đe dọa thứ hai trong tất cả các loài cá mập và cá đuối.
“Nếu chỉ tập trung vào những loài cá mập lớn, lực lưỡng như cá mập đầu búa, cá mập hổ hay cá mập trắng, điều này sẽ làm lu mờ tất cả các loài khác,” bà Márquez cho hay.

Cá nhám dẹt đang bị
Cá nhám dẹt đang bị "lu mờ" bởi những người họ hàng to lớn hơn mình
Nhưng mặt khác, theo ông Stefano Mammola, nhà sinh thái học thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Ý, những loài vật có kích thước “to nhất” và “lớn nhất” cũng có thể được sử dụng để gây hứng thú cho những họ hàng ít được chú ý hơn của chúng.
Năm 2017, ông Mammola đã công bố một nghiên cứu với gần một trăm con nhện có kích thước kỷ lục. Chúng bao gồm nhện ăn thịt chim Goliath ở Nam Mỹ, được cho loài nhện lớn nhất với kích thước gần bằng một quả khúc côn cầu, và nhện thợ săn khổng lồ trong hang động tại Lào, loài nhện có sải chân lớn nhất với chiều dài lên tới 30 cm.
“Nếu bạn có thể khiến mọi người quan tâm đến những đặc điểm thú vị, đôi lúc hơi khủng khiếp, thì họ sẽ có thể nhận ra loài nhện hấp dẫn hơn mình tưởng,” ông Mammola cho biết, “Và điều này có thể chuyển hóa thành việc nâng cao nhận thức cộng đồng về loài vật đang bị lãng quên này.”
Việt Anh - National Geographic (Dân Việt)

https://danviet.vn/gia-tri-tu-nhung-con-vat-sieu-to-khong-lo-tren-trai-dat-50202019712591696.htm

Có thể bạn quan tâm